Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thị trường chờ đợi khung pháp lý cho bất động sản du lịch

PV - 17:58, 07/05/2022

Nếu giải quyết được các nút thắt pháp lý sẽ giúp tháo gỡ hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị ứ đọng tại các dự án du lịch triển khai dở dang.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với giá trị lên tới 30 tỷ USD, dưới hình thức phổ biến là biệt thự hay căn hộ du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều dự án đang gặp vướng mắc vì thiếu khung pháp lý đồng bộ.

Nhiều ý kiến đề xuất đã được đưa ra tại Hội thảo "Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ" diễn ra ngày 6/5, do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, hàng loạt khu nghỉ dưỡng đã cháy phòng, đóng góp không nhỏ cho kinh tế địa phương, cho thấy vai trò của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất của phân khúc này là vấn đề pháp lý, cụ thể là cấp giấy chứng nhận sở hữu riêng cho từng nhà đầu tư. Vấn đề này lại một lần nữa được đặt ra tại hội tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa.

Tại tỉnh Khánh Hòa, cách đây vài năm, để thu hút đầu tư, địa phương đã đưa ra khái niệm "đất ở không hình thành đơn vị ở", tức là các biệt thự nghỉ dưỡng được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài nhưng không được đăng ký hộ khẩu, không hình thành nên các khu dân cư, hàng xóm, mà chỉ phục vụ vào mục đích kinh doanh dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất nào là "đất ở không hình thành đơn vị ở", dẫn tới việc giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư bị tạm dừng. Riêng khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, với hơn 40 dự án thì có tới một nửa trong số đó đang gặp phải vướng mắc này.

Dù hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch cơ bản đã có khung pháp lý chung để điều chỉnh với khoảng 13 văn bản bao gồm luật và văn bản dưới luật nhưng các quy định này vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn.

Các ý kiến từ hội thảo cho rằng, nếu giải quyết được các nút thắt pháp lý sẽ giúp tháo gỡ hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị ứ đọng tại các dự án du lịch triển khai dở dang, giúp phục hồi nền kinh tế sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19./.