Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thiên tai không biết chờ đợi

PV - 04:46, 12/06/2018

Hiện nay, cả nước đã bước vào mùa mưa bão. Nhiều vùng dân tộc, miền núi đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng. Điều đáng nói, có những vùng đã được rà soát, phê duyệt di dời khẩn cấp nhưng lại đầu tư dở dang khiến người dân sống trong cảnh phấp phỏng lo âu. Vì vậy, thời gian qua, việc triển khai các dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm vẫn là vấn đề hết sức đáng lo ngại...

Bài 1: Dự án “rùa bò” và nỗi lo của người dân

Dự án “Sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai, vùng khó khăn thôn Khâu Rịa và Khâu Đáy, xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang” được khởi công từ tháng 11/2011. Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai, hiện nay, mới có 70/124 hộ thuộc vùng dự án được di dời. 

Mỏi mòn chờ dự án

Lội qua 2 con suối, dưới chân là những hòn đá cuội trơn trượt, chúng tôi mới tới được khu tái định cư thôn Khâu Đáy. Anh Nguyễn Đức Long, cán bộ UBND xã Du Già mỉm cười bảo: “Chúng ta vào đây thuận lợi rồi đấy, vì mấy hôm nay trời nắng to. Chứ vào ngày mưa thì chịu. Mình không vào được mà dân cũng không ra ngoài được”.

Đây là con đường đi học của học sinh Khâu Đáy. Đây là con đường đi học của học sinh Khâu Đáy.

Đến Khâu Đáy, chúng tôi gặp một bà cụ người Mông ở nhà một mình. Cụ khoảng ngoài 80 tuổi, dáng vẻ gầy tong teo, bước đi run lẩy bẩy. Cụ không nói được tiếng phổ thông nên chúng tôi đành phải chia tay với tâm trạng đầy day dứt.

Bước ra đến đường cái, anh Long cho chúng tôi đi một vòng thăm quan khu tái định cư được làm cách đây ngót 8 năm. Xuyên qua những mái nhà tạm bợ là những con đường đất nhỏ hẹp. Ở Khâu Đáy, hiện nay đã có cột điện chạy qua, nhưng chưa có dây nên người dân vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu.

Ly Mí Sính, Trưởng thôn Khâu Đáy cho biết, thôn hiện nay có 86 hộ, trong đó khu tái định cư tập trung hơn 30 hộ. Những hộ này được chuyển xuống từ năm 2011. Gọi là khu tái định cư nhưng người dân gần như chỉ được cấp 1 phần đất nền chứ cuộc sống không có gì thay đổi. Về khu tái định cư tập trung họ thiếu thốn đủ thứ từ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm; đến đất sản xuất, nước sinh hoạt…Vì vậy, cuộc sống vẫn phải dựa vào thiên nhiên là chính.

Ly Mí Sính cho biết thêm, mặc dù khó khăn, nhưng ít nhất các hộ này vẫn còn may mắn vì không phải đối diện với thiên tai. Chỉ tay lên những đỉnh núi mờ xa, nơi có những mái nhà nằm chênh vênh như “treo” giữa không trung, Ly Mí Sính bảo, ở Khâu Đáy hiện vẫn còn nhiều hộ nằm ở vùng sạt lở nguy hiểm chưa được di dời. Trong đó các hộ thường xuyên bị sạt lở như gia đình Ly Nhè Tủa, Giàng Dũng Sò, Ly Mí Lềnh…

Hạ Suối Sính, một hộ dân nằm ở vùng nguy hiểm lo sợ cho biết, nhà anh hiện có 6 người cùng sinh sống. Riêng trong năm 2015, căn nhà bị sụp hoàn toàn do sạt lở đất 2 lần. Nhờ bà con, căn nhà mới được dựng lại nhưng anh vẫn vô cùng lo lắng. Chẳng đêm nào, gia đình Sính được ngủ yên vì không biết ngày mai mình còn sống không. Mặc dù biết nguy hiểm, nhưng gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên đành phải chịu.

Cần ưu tiên đầu tư

Nói về dự án này, ông Vàng Minh Lẻng, Bí thư Đảng ủy xã Du Già cho biết: Khâu Rịa và Khâu Đáy hiện nay là 2 thôn khó khăn bậc nhất xã. Tỷ lệ hộ nghèo của Khâu Rịa là 83/140 hộ (chiếm gần 60%); còn Khâu Đáy hiện nay là 64/86 hộ (chiếm 75%).

Một trong những nguyên nhân chính là do người dân nơi đây chưa ổn định được cuộc sống. Dự án sắp xếp dân cư được thực hiện từ 2011 nhưng nguồn vốn quá nhỏ giọt nên không giải quyết được triệt để. Thời gian qua, trong tất cả các buổi họp, gặp mặt, người dân đều kiến nghị đầu tư hoàn thiện khu tái định cư để họ yên tâm sinh sống. Bởi cũng trên địa bàn này vào tháng 7/2004, đã xảy ra vụ sạt lở lịch sử khiến 6 hộ bị vùi lấp 3 người chết, nhiều người bị thương.

Còn trong Công văn số 221/Tr–UBND, ngày 22/11/2017 do bà Phan Thị Minh, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh ký về việc đề nghị ưu tiên bố trí vốn: Dự án sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai, vùng khó khăn thôn Khâu Rịa, Khâu Đáy, xã Du Già nêu rõ, căn cứ vào kế hoạch vốn được giao năm 2011, chủ đầu tư là UBND huyện Yên Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan khởi công công trình vào tháng 11/2011. Đến nay do điều kiện vốn mới được bố trí là 4 tỷ. Trong khi đó, dự án này được phê duyệt là 60,1 tỷ đồng. Chính vì vậy, công trình mới hoàn thành hạng mục nền đường, còn các hạng mục khác chưa được thi công.

Đến nay 124 hộ dân thuộc Dự án thì chỉ có hơn 70 hộ được chuyển đến nơi ở an toàn. Các hộ còn lại do các hạng mục của Dự án chưa được khởi công nên việc di chuyển không thể thực hiện được. Vì vậy, các hộ này vẫn phải sống trên các rẻo đồi núi cao rất nguy hiểm bởi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ gia đình chưa di chuyển, UBND huyện Yên Minh đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, và các sở, ban ngành liên quan tỉnh Hà Giang ưu tiên bố trí vốn cho “Dự án sắp xếp dân cư ra khỏi nguy cơ thiên tai, vùng khó khăn thôn Khâu Rịa và Khâu Đáy, xã Du Già, huyện Yên Minh” để Dự án hoàn thành vào năm 2018. Còn các dự án di dân khác trên địa bàn huyện sẽ thực hiện vào các giai đoạn khác.

Thiết nghĩ, yêu cầu di dời người dân ở Khâu Rịa, Khâu Đáy ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm là một việc làm hợp lý, hợp tình. Đây là một trong những việc cần phải làm ngay để tránh các thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.