Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thiếu tướng Lê Như Đức: “Lòng dân luôn là sức mạnh để bảo vệ, phát triển vùng biên…”

PV - 10:03, 04/03/2019

Nhắc đến người lính Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là người lính biên phòng ở vùng biên giới, trong chúng ta đều có chung cảm xúc trân trọng, yêu mến. Để có được điều này, bao năm qua, người lính biên phòng nơi biên cương luôn dành hết tâm sức, tuổi trẻ cùng đồng bào bảo vệ và phát triển vùng biên.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ Đội Biên Phòng (3/3/1959- 3/3/2019), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2019), Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Tình cảm của đồng bào dành cho người lính xuất phát từ những hành động, việc làm mà người lính đang nỗ lực góp phần thay đổi tích cực cuộc sống của đồng bào nơi biên giới. Thiếu tướng có thể chia sẻ cụ thể hơn về những việc làm thiết thực ấy của những người lính biên phòng?

Ngoài nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới, sự bình yên của vùng biên cương của Tổ quốc, bao năm qua cùng với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thì những hình ảnh về “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”, bộ đội giúp dân sản xuất, dựng nhà… đã trở nên quen thuộc với Nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc.

Đặc biệt, thông qua hoạt động vận động quần chúng, lực lượng biên phòng đã góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thiếu tướng Lê Như Đức trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển. Thiếu tướng Lê Như Đức trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển.

Các đơn vị BĐBP đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới triển khai xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Điển hình như, BĐBP đã giúp người dân hơn 300 000 lượt ngày công, sửa chữa 5.358km đường giao thông, trồng và khai hoang phục hóa gần 5 triệu ha rừng; vận động, phối hợp cùng chính quyền thực hiện nhiều dự án mang ý nghĩa lâu dài như Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu, dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, tộc người Đan Lai ở Con Cuông, Nghệ An,…đã trao tặng 7 nghìn căn nhà cho người nghèo ở biên giới, hải đảo; 300 công trình dân sinh ở địa bàn biên giới; hỗ trợ hơn 2.800 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường” từ năm 2014 đến nay...

Những hành động cao đẹp, việc làm thiết thực của người lính nơi biên cương đã tác động đến các cấp chính quyền, đồng bào các dân tộc như thế nào đối với việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới, thưa Thiếu tướng?

Từ thực tế cho thấy, đời sống của đồng bào dân tộc khu vực biên giới đang ngày một nâng cao, phát triển. Từ đó nhận thức về quốc phòng an ninh, phòng tuyến Nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới đang ngày càng vững mạnh. Đồng bào rất tích cực thực hiện trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã tổ chức được nhiều phong trào như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”… Từ 2009 đến nay, tuyến biên giới đất liền thành lập 1.587 tổ tự quản, gần 50 nghìn hộ gia đình và hơn 60 nghìn cá nhân đăng ký tham gia tự quản hơn 4,2 nghìn km đường biên giới, 3.141 mốc quốc giới, 78 công trình biên giới. Trên toàn tuyến biên giới thành lập gần 15 nghìn tổ tự quản an ninh trật tự.

Đặc biệt, đồng bào chủ động tham gia công tác xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bằng những hành động thiết thực như hưởng ứng việc kết nghĩa các cụm dân cư 2 bên biên giới với các nước láng giềng; cung cấp hàng triệu thông tin có giá trị, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh với các hành động xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người…

Thiếu tướng đánh giá thế nào về cuộc sống của đồng bào nơi biên giới hiện nay?

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Đảng, bộ mặt vùng biên giới dân tộc, vùng sâu, vùng xa có bước cải thiện rất lớn.

Tuy nhiên so với mặt bằng chung toàn quốc, đời sống bà con các dân tộc vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, do nhiều nguyên nhân. Như cơ sở hạ tầng từ xưa đến nay vẫn thấp kém hơn so với các khu vực; điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt bất lợi cho sức khỏe và cây trồng, vật nuôi. Ở một số nơi, cấp ủy chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

Hệ quả là tại nhiều vùng cái nghèo vẫn đeo bám, trình độ dân trí thấp, đặc biệt ở một số địa bàn, tình trạng bà con vẫn bị tác động của kẻ xấu. Vì thế nên chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp vừa đồng bộ, vừa phải căn cơ hơn đẩy lùi gốc rễ những vấn đề tồn tại.

Theo Thiếu tướng, giải pháp nào để tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào?

Phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa, nhận thức đầy đủ hơn nữa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, lực lượng biên phòng là chuyên trách.

Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải gần dân để nắm bắt kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong đời sống-xã hội, kinh tế để làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về các kế hoạch giải pháp, mô hình hay, hướng dẫn và cùng đồng bào thực hiện, từ đó giúp họ thay đổi tư duy đẩy lùi đói nghèo....

Qua Báo Dân tộc và Phát triển, Thiếu tướng nhắn nhủ điều gì đến các chiến sĩ ngoài biên cương?

BĐBP là lực lượng gần đồng bào nhiều nhất, niềm tự hào của người lính biên phòng là được đồng bào tin yêu như ruột thịt nên cần phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức cho Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; cùng với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

VƯƠNG MINH ( thực hiện )

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.