Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thổ cẩm bằng vẽ sáp ong

PV - 22:11, 07/02/2018

Bộ trang phục của phụ nữ Mông ở Hà Giang luôn giữ được nguyên vẹn những họa tiết truyền thống, mang đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Để có được những hoa văn trang trí bắt mắt, từ xưa người Mông đã nghĩ ra cách hết sức thông minh và sáng tạo là vẽ bằng sáp ong.

Chị Sùng Thị Mỉ, ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang cho hay: Công đoạn làm nên hồn cốt của thổ cẩm người Mông là vẽ sáp ong lên vải lanh. Tấm vải lanh được dệt nên từ sợi lanh có màu trắng tinh. Để có hoa văn, người phụ nữ Mông dùng sáp ong.

Chị Sùng Thị Mỉ vẽ sáp ong lên tấm vải lanh. Chị Sùng Thị Mỉ vẽ sáp ong lên tấm vải lanh.

 

“Sáp ong có hai khoảnh màu vàng và màu nâu. Màu vàng là sáp non, màu nâu là lớp sáp già, bóp cho hai loại sáp đó chảy hết mật rồi nấu mỗi loại ra một nồi khác nhau. Nấu cho đến khi nóng chảy thành nước cốt, lấy mỗi thứ một ít bỏ vào bát, trộn đều và đặt lên bếp. Nếu trộn hai thứ ngay từ đầu thì lên váy sẽ không được đẹp. Chảo để nấu sáp ong bao giờ cũng để nóng ở trên bếp. Nếu không nóng như thế, sáp sẽ bị khô và không dính vào váy”, chị Mỉ cho hay.

Sở dĩ người Mông dùng sáp ong để vẽ, bởi khi công đoạn này đã hoàn thành, cả tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Chỗ không có sáp ong sẽ được nhuộm thành màu chàm đen. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được. Sau đó, người ta nấu chảy sáp ong đi, những hoa văn được vẽ bằng sáp ong sẽ trở thành màu trắng xanh, làm nổi bật trang phục.

Để vẽ được sáp ong lên vải, phụ nữ Mông có một bộ bút vẽ làm bằng thanh tre nhỏ, ngòi bút là một lá đồng rất nhỏ hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng rồi thoăn thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải, sao cho lưỡi bút song song với mặt đất. Phải kẻ thật đều thật khéo để lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp.

Chị Mỉ chia sẻ: “Để làm được một bộ váy, người con gái Mông phải bỏ rất nhiều công sức. Mỗi bộ váy được làm ra là một minh chứng cho tính cần cù, chịu khó, khéo tay, hay làm của phụ nữ Mông. Ngay từ nhỏ, mỗi người đã phải học cách dệt vải, vẽ sáp ong. Không phải ai cũng vẽ đẹp ngay từ lúc đầu, phải kiên trì tự ghi nhớ trong đầu và phải tự làm, nếu không sẽ không bao giờ biết vẽ”.

SAN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.