Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thổ cẩm dân tộc Lào: Giữ gìn bản sắc để tồn tại, phát triển

PV - 14:43, 24/10/2018

Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào tại Điện Biên đang dần mai một do ảnh hưởng của quá trình phát triển, hội nhập và những tác động của kinh tế thị trường. Song, tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, những người phụ nữ Lào vẫn luôn cần mẫn bên khung dệt mỗi ngày, với mong ước gìn giữ ngọn lửa cho nghề truyền thống của mình.

thổ cẩm Hàng ngày, bà Lò Thị Lún luôn dành nhiều thời gian để truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho con cháu.

Trong căn nhà gỗ cũ kỹ nằm nép mình bên dòng Nậm Núa thơ mộng tại bản Na Sang II, bà Lò Thị Lún (85 tuổi) vẫn miệt mài bên chiếc khung dệt của mình. Vừa làm, bà vừa chỉ dạy cho các cháu gái trong bản cách dệt thổ cẩm.

Bà Lún chia sẻ, từ nhỏ, bà đã quen nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi của mẹ. Năm 16 tuổi, bà được dạy cách dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Từ đó đến nay, đôi bàn tay khéo léo ấy đã dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc. Ở cái tuổi xế chiều, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của dân tộc nên bà dành nhiều thời gian hơn để truyền dạy cho con cháu trong bản.

Và sự kiên trì, cần mẫn của bà đã được đền đáp. Năm 2004, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tiến hành xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Sang II. Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Na Sang II được thành lập với 30 thành viên, được tổ chức JICA hỗ trợ duy trì và phát triển nghề bằng cách tạo ra một nhóm sản xuất để kết nối những người có nghề. Sau đó tiếp tục hỗ trợ công cụ sản xuất, khung dệt hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và tìm kiếm đơn đặt hàng. Tuy nhiên, làng nghề chỉ hoạt động sôi nổi khi có nguồn kinh phí đầu tư từ Dự án. Năm 2010, sau khi dự án kết thúc, làng nghề lại rơi vào khó khăn…

thổ cẩm Chị Lò Thị Viên, người nỗ lực đưa hình ảnh, nét văn hóa thổ cẩm của dân tộc Lào bay xa.

Từ năm 2015 đến nay, đứng trước những thách thức mới, song HTX vẫn luôn kiên trì động viên, sát cánh cùng các thành viên gìn giữ nghề, nỗ lực quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Công lao này phải kể đến những người đứng mũi chịu sào như chị Lò Thị Viên, Phó Chủ nhiệm HTX. Chị Viên cho biết: “Bản thân tôi rất yêu quý nghề dệt thổ cẩm nên luôn kiên trì đi vận động chị em giữ nghề, tranh thủ dệt vải lúc nông nhàn. Tôi cũng đứng ra tìm thị trường đầu ra cho bà con bằng việc nỗ lực giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm xúc tiến du lịch. HTX cũng được chính quyền địa phương đưa ra những chiến lược phát triển du lịch gắn với giới thiệu làng nghề để quảng bá sản phẩm. Những năm gần đây, HTX đã có thêm nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn”.

Năm 2016 có thể xem là dấu mốc quan trọng khi tổng doanh thu của HTX Dệt thổ cẩm Na Sang II đã đạt con số hơn 400 triệu đồng, với gần 400 sản phẩm được bán ra ở thị trường trong và ngoài tỉnh...

Với sự tinh tế, chất lượng trong từng sản phẩm nên mặc dù đứng trước sự đa dạng của các sản phẩm thổ cẩm khác và thị trường may mặc hiện nay, song thổ cẩm Lào hiện vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Nếu như trước đây, mỗi chị em phụ nữ chỉ sản xuất được từ 3- 4 loại sản phẩm thì nay đã có thể sáng tạo ra gần 40 loại sản phẩm với hơn 300 hoa văn khác nhau. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như: váy, khăn quàng cổ, túi xách, chăn, đệm, khăn trải bàn... Trung bình một tháng, mỗi người có thể làm từ 3-10 sản phẩm khác nhau tùy theo nhu cầu của thị trường, tăng thêm thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng.

Hy vọng với tình yêu, tâm huyết, sự nỗ lực bền bỉ của những người thợ dệt, sản phẩm thổ cẩm dân tộc Lào sẽ ngày càng bay xa ra “biển lớn”.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.