Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thông tin đối ngoại đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thổ cẩm Nghĩa Đô "tự tin" vươn mình ra thế giới

Thế Lượng - Thùy Như - 19:02, 02/12/2023

Cùng với các sản phẩm truyền thống khác, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) đã và đang bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Sản phẩm thổ cẩm đang phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương và đang vươn mình ra thế giới.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thổ cẩm Nghĩa Đô
Phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô dệt thổ cẩm

Đầu năm 2023, Diễn đàn du lịch Đông Nam Á-ATF 2023 tổ chức tại Indonesia, xã Nghĩa Đô vinh dự là một trong hai điểm du lịch homestay của Việt Nam đạt giải thưởng “Homestay ASEAN”. Đó là cụm dịch vụ gồm 5 đơn vị homestay liên kết là Homestay số 1 - bản Hón, Homestay số 2 - bản Mường Kem, Homestay số 4 - bản Hón, Homestay số 5 - bản Nà Khương, Homestay số 6 - bản Thâm Mạ. Để đáp ứng nhu cầu khám phá thắng cảnh và bản sắc văn hóa của địa phương, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Đô đã triển khai các chương trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Nghĩa Đô là vùng đất cổ, nơi sinh sống từ bao đời của đồng bào dân tộc Tày. Tiềm năng du lịch ở Nghĩa Đô khá độc đáo và phong phú. Ở đây, có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa bản làng, ẩm thực, phong tục, tập quán và văn hóa dân gian. Ngày 09/9/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Nơi đây đã sẵn sàng chào đón du khách mọi miền, là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng để du khách lựa chọn khám phá.

Nghề dệt thổ cẩm ở Nghĩa Đô đã có từ lâu đời. Theo lời kể của các bậc cao niên trong các bản Tày thì từ khi người Tày về định cư ở Mường Luông (tên gọi xưa của Nghĩa Đô), nghề dệt thổ cẩm đã bắt đầu được hình thành và phát triển. Ban đầu, dệt thổ cẩm chỉ là để tự cung, tự cấp, may mặc thêu thùa để lấy quần áo, váy mặc hằng ngày. Về sau này, khi dân cư đông đúc, cuộc sống phát triển thì dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề và trở thành một nét văn hóa mang bản sắc của người Tày nơi đây.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thổ cẩm Nghĩa Đô "tự tin" vươn mình ra thế giới 1
Rực rỡ và tinh tế sắc màu thổ cẩm Nghĩa Đô.

Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (bản Rịa, Nghĩa Đô) chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Tày Nghĩa Đô. Dệt vải, dệt thổ cẩm vừa để tự cung tự cấp, làm quần áo mặc hằng ngày, dùng làm chăn đắp ấm vào mùa đông giá lạnh, vừa tạo ra hàng hóa để trao đổi, mua bán với thị trường gần xa. Nghề này mang tính phổ thông và cộng đồng cao vì ai cũng có thể học và làm được, nghề không đòi hỏi máy móc hiện đại mà chỉ cần khung cửi, sự khéo léo, kiên trì và óc sáng tạo của con người”.

Cầm tấm thổ cẩm của người Tày Nghĩa Đô trên tay, du khách sẽ cảm nhận được sự đa dạng, phong phú về màu sắc, đường nét và cảm những hình thù trên hoa văn, tạo ấn tượng mạnh với hoa văn, họa tiết đối xứng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, vũ trụ, triết lý âm dương, ngũ hành… Gam màu chủ đạo trong tấm thổ cẩm truyền thống ở Nghĩa Đô là hai màu trắng (nả phá dăng khao) và đen (nả phá dăng đăm). Màu trắng tự nhiên của bông và màu đen từ nước cây chàm.

Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm,xã Nghĩa Đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bản làng, các gia đình đồng bào Tày để mỗi gia đình là hạt nhân của việc gìn giữ, trao truyền nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời, xã cũng tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ thuật dệt thổ cẩm do nghệ nhân Ma Thanh Sợi và những người cao tuổi có kinh nghiệm truyền đạt. Tại các lễ hội, không gian chợ đêm Nghĩa Đô sản phẩm thổ cẩm được trưng bày, giới thiệu để du khách được chiêm ngưỡng, khám phá nét đẹp của thổ cẩm Nghĩa Đô.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thổ cẩm Nghĩa Đô "tự tin" vươn mình ra thế giới 2
Sản phẩm thổ cẩm đang phục vụ hiệu quả cho du lịch cộng đồng Nghĩa Đô

Năm 2021, UBND xã Nghĩa Đô đã thành lập Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, cử bà Nguyễn Thị San (bản Nà Khương) làm chủ nhiệm. Với sự dày dạn về kinh nghiệm và vốn sống cộng với sự tâm huyết của mình, bà San đã tích cực vận động bà con dân bản trong xã phục dựng, sưu tầm và truyền dạy kinh nghiệm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, nhu cầu của khách du lịch và bán ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị San chia sẻ: “Các sản phẩm thổ cẩm ở Nghĩa Đô khá độc đáo như vải, khăn, áo, chăn, nệm và các vật dụng được trang trí…Vì thế, khi du khách dừng chân ở Nghĩa Đô biết đến nét độc đáo của thổ cẩm, tại các homestay, không gian trưng bày đều có màu sắc của thổ cẩm, chăn đắp trên giường ngủ dành cho khách đều được thiết kế vải thổ cẩm vừa độc đáo vừa thân thiện. Thổ cẩm không chỉ là sản phẩm được giới thiệu, trưng bày mà còn là món quà lưu niệm độc đáo đối với du khách khi dừng chân tại điểm du lịch”.

Bởi thế, với đặc thù vải thổ cẩm của Nghĩa Đô được sử dụng ở nhiều lĩnh lực khác nhau trong đời sống của người dân như may áo, làm chăn, trang trí nhà cửa và các vật dụng. Thổ cẩm có mặt trong các nghi lễ quan trọng của đồng bào như lễ cưới hỏi, tang ma, ngày hội văn hóa và các hoạt động trải nghiệm của các nhà trường. Đó là cầu nối quan trọng để kết nối sản phẩm với du lịch cộng đồng.

(BCĐ- Thông tin đối ngoại) Thổ cẩm Nghĩa Đô "tự tin" vươn mình ra thế giới 3
Chăn thổ cẩm Nghĩa Đô, một sản phẩm độc đáo và được thị trường gần xa ưa chuộng

Ông Lương Cao Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Thổ truyền thống góp phần quan trọng trong chương trình phát triển du lịch cộng đồng Nghĩa Đô hiện nay. Sản phẩm thổ cẩm là món quà lưu niệm có giá trị vật chất và tinh thần cho du khách mọi miền mỗi khi dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất này. Điều đó cũng đặt ra vấn đề là cần gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm nơi đây”.

Dừng chân ở nhà sàn người Tày Nghĩa Đô hiện nay, trên góc mỗi căn nhà sàn vẫn còn lưu giữ khung cửi dệt thổ cẩm. Điều đó cho thấy, đồng bào vẫn ngày đêm lưu giữ nét đẹp văn hóa này. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống vượt thời gian của đồng bào Tày Nghĩa Đô, đây là nghề hội tụ phẩm chất tốt đẹp, sự sáng tạo cùng những quan niệm mang triết lý nhân sinh sâu sắc, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng nơi đây.


Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các địa phương từng bước ổn định an sinh xã hội.