Huyện Diên Khánh có 2 thôn tập trung đồng bào dân tộc Raglai sinh sống là Lỗ Gia (xã Suối Tiên) và Đá Mài (xã Diên Tân), với tổng cộng 141 hộ. Những năm qua, huyện đã cấp 19ha đất lúa nước, 9ha đất trồng cây lâu năm, 12ha đất rừng cho gần 100% hộ DTTS sản xuất. Với sự hỗ trợ này, nhiều hộ đã từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, có điều kiện tự cung, tự cấp lương thực và hạn chế phá rừng làm nương rẫy.
Về thôn Đá Mài những ngày này, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi về cuộc sống của người dân. Chừng vài năm trước, người dân nơi đây còn ở trong những ngôi nhà tranh tre lụp xụp, đường đất bùn lầy. Vậy mà nay trở lại, những ngôi nhà xây kiên cố đã mọc lên, đường bê tông thẳng tắp trải dài khắp làng.
Chúng tôi ghé vào thăm ngôi nhà ngói đỏ, khang trang của ông Cao Xà Ngân, Người có uy tín trong làng. Là người chịu khó làm ăn, kinh tế khá giả nhất trong các hộ ở đây, ông Ngân chia sẻ: “Nhà nước đã cho đất ở, ruộng và đất rẫy nên gia đình tôi cố gắng trồng keo, mía và lúa nước. Nhờ đó, nhà không thiếu gạo ăn, có điều kiện mua sắm xe máy, máy cày, ti vi...”.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Diên Tân, hiện toàn xã có 74 hộ đồng bào DTTS, với khoảng 300 nhân khẩu. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và nỗ lực của bản thân, nhiều hộ DTTS có kinh tế ổn định hơn trước. Xã đã cải tạo và giao 7,7ha ruộng lúa nước cho các hộ sản xuất. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất trung bình của xã đạt 70 tạ/ha, riêng các hộ DTTS đạt 60 tạ/ha. Một năm sản xuất 2 vụ lúa nước nên hiện nay các hộ đồng bào DTTS không thiếu gạo ăn. Một số thanh niên trong thôn đã đi làm công nhân cho mỏ đá ở địa phương, thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Trong thôn, một số hộ cũng chịu khó làm ăn và khá lên thấy rõ.
Tại thôn Lỗ Giá (xã Suối Tiên), đồng bào DTTS cũng thay đổi nhận thức, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước mà chịu khó lao động. Lãnh đạo xã Suối Tiên cho hay, các hộ đồng bào DTTS tích cực chăn nuôi bò, trồng keo, chuối để cải thiện kinh tế gia đình. Trong nhà họ đã sắm được những vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống như: tủ lạnh, máy giặt, ti vi...; việc học hành của con cái được quan tâm hơn. Nhờ đó, năm 2017, trong thôn có 12 hộ DTTS trong tổng số 75 hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, huyện Diên Khánh tiếp tục đầu tư gần 12,5 tỷ đồng vốn phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS xã Diên Tân và Suối Tiên. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh cấp gần 11,7 tỷ đồng và vốn ngân sách huyện hơn 740 triệu đồng.
Ông Mai Xuân Hải, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh cho biết, bằng nguồn kinh phí của Trung ương và hỗ trợ của các doanh nghiệp, huyện đang triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Theo đó, UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ xây nhà cho 18 hộ ở xã Diên Tân và 9 hộ ở xã Suối Tiên với mức hỗ trợ 55 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh chăm lo nơi ở, huyện cũng chú trọng công tác an sinh xã hội cho các hộ DTTS như: thực hiện chương trình nước sạch, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tiền điện cho hộ nghèo… Thực hiện mô hình sản xuất cho đồng bào DTTS, năm nay, huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ cho 20 hộ ở xã Suối Tiên và Diên Tân. Xã cũng đã triển khai cho các hộ nuôi heo đen (xã Diên Tân) và nuôi bò (xã Suối Tiên). Ngoài ra, xã Suối Tiên còn hỗ trợ 2 máy cày cho các hộ đồng bào DTTS sản xuất lúa nước...
Ông Đinh Văn Thiệu, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho hay: Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt các xã có đồng bào DTTS sinh sống. Đến nay, phần lớn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có đất, nhà ở, có ý thức sản xuất trên mảnh đất của mình, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
ĐẠT THÀNH NHÂN