Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

"Thời cơ vàng” cho du lịch vùng DTTS và miền núi

Thanh Nguyễn - 18:36, 30/03/2023

Tổng thu từ khách du lịch năm 2022 chỉ đạt 66% so năm 2019 - thời điểm chưa chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine… Trước tình hình ấy, việc “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển du lịch” đang là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm đưa du lịch “trở lại đường ray” là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Một loạt các vấn đề cũng đã được Chính phủ gợi mở để các bộ, ngành, địa phương thay đổi tư duy, thay đổi cách làm du lịch… Trong bối cảnh chung đó, “cơ hội vàng” cho phát triển du lịch vùng DTTS và miền núi là rất rõ ràng.

Một lễ hội của đồng bào DTTS nơi miền Tây xứ Nghệ
Một lễ hội của đồng bào DTTS nơi miền Tây xứ Nghệ

Tiềm năng nhiều, hiệu quả chưa cao

Vùng DTTS và miền núi được đánh giá, là giàu tiềm năng, đa dạng và phong phú để phát triển du lịch. Nhiều người còn ví von: Tiềm năng của du lịch nơi đây như “nàng công chúa ngủ quên”.

Dẫn chứng từ vùng Trung Bộ. Những thắng cảnh như đèo Sa Mù huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, rừng nguyên sinh Pù Mát và thác 7 tầng ở Nghệ An… đã rất hút khách trong những năm qua.

Nhìn rộng ra cả nước, tiềm năng ở vùng DTTS và miền núi để phát triển du lịch là rất dư giả. Ở Tây Nguyên có núi Langbiang, Khu du lịch sinh thái M’Đrắk, Huyền thoại hồ Lắk - Buôn Jun. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có đền tháp Mỹ Sơn gắn với văn hóa người Chăm. Ở cực Bắc xa xôi, nói đến tiềm năng du lịch thì không thể bỏ qua đèo Pha Đin, cổng trời Sa Pa, Mù Cang Chải, cao nguyên đá Hà Giang, mùa vàng ở Y Tý… đang là những điểm đến hấp dẫn mà nhiều du khách từng rỉ tai “nên đến một lần trong đời”.

Ngoài ra, những điểm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh văn hóa… vùng DTTS và miền núi cũng là một tiềm năng đầy hứa hẹn để hút khách. Đó là các lễ hội đậm chất vùng miền gắn với tín ngưỡng văn hóa của từng dân tộc; đó là các phong tục cổ truyền, các di tích danh thắng… tồn tại qua hàng trăm năm gắn với lịch sử dựng bản, lập mường của đồng bào DTTS.

Từ tiềm năng ấy, nhiều Tuor du lịch cũng đã được hình thành, do các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành xây dựng để đưa du khách đến với các điểm du lịch vùng miền núi, DTTS. Nhiều tổ chức, cá nhân hay những bạn trẻ… cũng đã phối hợp, hình thành đoàn, theo hình thức tự tổ chức… để trải nghiệm du lịch vùng DTTS và miền núi.

Tất cả những thông số trên là minh chứng cho sức hút đầy hấp dẫn của tiềm năng, thế mạnh du lịch vùng miền núi, vùng DTTS. Nhưng, thực tế thì, trong guồng quay của du lịch cả nước, du lịch vùng DTTS và miền núi vẫn đang là một “mắt xích” chưa mạnh.

Đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Hệ thống đường giao thông kết nối đến các điểm du lịch vẫn chưa bảo đảm yêu cầu; có nơi, có chỗ còn khó khăn làm ảnh hưởng đến việc “mời gọi” khách du lịch, nhất là vào mùa mưa. Thậm chí, hạ tầng mạng Internet những nơi ấy còn “phập phù”, thiếu ổn định. Đơn cử như ở xã biên giới Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), người dân đang thực hiện chuyển đổi số gắn với làm du lịch nhưng đang gặp khó khăn trong truy cập, tìm kiếm dữ liệu qua mạng.

Mùa nước đổ ở Mù Cang Chải tựa như một bức sơn dầu đầy mê hoặc
Mùa nước đổ ở Mù Cang Chải làm mê hoặc mọi người

Còn hạ tầng lưu trú cũng chưa đáp ứng so với nhu cầu của khách du lịch. Hầu hết tại các vùng du lịch ở miền núi và DTTS, cơ sở lưu trú chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể nên chất lượng còn hạn chế. Nguồn lao động tham gia phục vụ du lịch phần nhiều chưa được qua đào tạo về nghiệp vụ. Do vậy, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu. Hầu hết là lao động phổ thông, chưa có thói quen và tác phong nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. 

Theo đánh giá của Sở Du lịch Nghệ An, vùng DTTS và miền núi Nghệ An, tuy tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo, nhưng việc phát triển du lịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sự đầu tư; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn. Chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch còn chưa đảm bảo, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho phát triển du lịch tại đây còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Tại một số địa phương có phát triển mô hình du lịch cộng đồng tuy nhiên lượng khách chưa thực sự nhiều, doanh thu từ du lịch chưa cao.

“Cơ hội vàng” cho du lịch vùng miền núi

Chúng ta đã có bức tranh toàn cảnh về tiềm năng, thế mạnh cũng như hạn chế, yếu kém của du lịch vùng miền núi, vùng DTTS thì những gợi mở đầy trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, diễn ra ngày 15/3 vừa qua, sẽ là định hướng mở để các địa phương vùng DTTS và miền núi; cũng như các bộ ngành suy nghĩ, trăn trở trong việc tìm kế sách, hướng đi, lộ trình phát triển cho du lịch vùng miền núi.

Lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bên nhà rông KonKlor
Lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là yếu tố thu hút mạnh mẽ du khách

Yếu kém, hạn chế cái gì thì khắc phục cái ấy, thiếu sót chỗ nào thì tìm cách “lấp đầy” chỗ ấy… bằng những quyết sách hợp lý, có tầm nhìn dài hơi; bằng những chủ trương đầu tư phù hợp, khoa học, bài bản. Đã có lộ trình, có định hướng từ người đứng đầu Chính phủ, thì đó chính là “cái gậy” chắc chắn để các bộ, ngành, địa phương “bám” vào mà thực hiện.

Trước hết, vùng DTTS và miền núi còn yếu kém nhiều thứ, nhưng đầu tiên là về hạ tầng cơ sở như điện, đường, mạng Internet… thì phải “vá” yếu kém ấy bằng cơ chế chính sách, bằng những dự án đầu tư mà “sát sườn” nhất là từ các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. 

Còn về cơ sở lưu trú, kĩ năng phục vụ của những người tham gia phục vụ du lịch, rồi công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về du lịch vùng DTTS và miền núi… thì cần phải mở lớp tập huấn, chuyển giao kinh nghiệm, chia sẻ cách làm; thậm chí tham qua học tập để đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn.

Đã bàn đến chỗ ăn, ở, đi lại… nhưng dịch vụ đi kèm, giải trí, các sản phẩm từ du lịch thì sao. Cái này, các địa phương phải nghiên cứu, thậm chí mở hội thảo để tìm ra được những yếu tố “đắt” giá nhất để phục vụ du khách. Đắt giá ở đây không phải là giá trị tiền bạc, mà là thước đo về sự thích thú, sự hấp dẫn… mang tính chất “nhớ mãi, nhớ dài” đối với du khách. 

Chẳng hạn, lên với đồng bào Tây Nguyên, ngoài các di tích, danh thắng… thức quà mà du khách mang về, là các sản phẩm cà phê mang thương hiệu của vùng cao nguyên Bazan lộng gió. Đó chính là giá trị mà khách du lịch sẽ ghi dấu ấn, sẽ mang giá trị lan tỏa.

Mặc dù những năm qua các huyện miền núi Quảng Nam chú trọng đầu tư phát triển giao thông nhưng vẫn còn nhiều nơi giao thông đến các điểm du lịch chưa được hoàn chỉnh, khiến du khách e ngại
Mặc dù những năm qua các huyện miền núi Quảng Nam chú trọng đầu tư phát triển giao thông, nhưng vẫn còn nhiều nơi giao thông đến các điểm du lịch chưa được hoàn chỉnh, khiến du khách e ngại

Nhìn từ thực tế, cái cốt lõi nhất cho du lịch vùng DTTS và miền núi đổi thay, chính là tư duy, suy nghĩ, nhận thức của những người làm du lịch. Ngoài đội ngũ là các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, thì những người trực tiếp tham gia vào các quá trình của Tuor du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, mang tính xương sống. Họ là người dân tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; là chủ các cơ sở lưu trú, các Homestay… thì chính họ phải “lột xác” về tư duy, suy nghĩ và hành động trong làm du lịch.

Trước đây, chúng ta thường có tư duy làm du lịch “một mùa”, “cung cấp cái mình có”… thì rõ ràng, trong xu thế mới, khi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải tiến tới làm du lịch “bốn mùa” và “cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà khách cần”. Bản chất cuối cùng của du lịch vẫn là “mua bán, trao đổi”, nhưng nó ở tầm cao hơn, là ở dạng thưởng thức về mặt tinh thần. Khách du lịch đi du lịch là để trải nghiệm, thưởng thức. Vì thế, những người làm du lịch hãy từ bỏ thói xấu “chặt chém”; từ bỏ thói quen nóng vội, ăn xổi…

Do đó, không thể phát triển du lịch theo kiểu ồ ạt, nóng vội, đốt cháy giai đoạn như kiểu: Hàng xóm làm được, mình cũng làm được. Như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm chậm nhưng chắc chắn, bài bản, có lộ trình, khoa học…; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Thời cơ của du lịch vùng DTTS và miền núi đang đến. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương nắm bắt như thế nào mà thôi.