Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thủ đoạn mới của tội phạm buôn người

PV - 10:44, 18/12/2018

Nếu như trước đây, các đối tượng buôn bán người thường lợi dụng sự quen biết với các nạn nhân ở vùng DTTS và miền núi để hoạt động, thì nay chúng sử dụng nhiều thủ đoạn mới tinh quái hơn. Cụ thể, nhiều đối tượng giả làm doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư… rồi tiếp cận nạn nhân trên mạng xã hội như Facebook, Zalo. Sau đó, chúng giăng bẫy đưa nạn nhân vào mạng lưới được tổ chức chuyên nghiệp.

buôn bán người Tiếp nhận nạn nhân được lực lượng công an biên phòng Trung Quốc giải cứu và trao trả.

Thủ đoạn tinh vi

Ngày 24/4 năm 2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tiếp nhận nạn nhân Lý Thị Sông sinh năm 2003, dân tộc Mông ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bị lừa bán sang Trung Quốc và được Công an tỉnh An Huy (Trung Quốc) giải cứu.

Nạn nhân Sông cho biết: Khoảng tháng 10/2017, Sông có quen một nam thanh niên người Mông qua mạng Facebook. Đối tượng nam tự giới thiệu họ Vừ tên Mua, quốc tịch Thái Lan, đang làm bác sĩ, sống độc thân. Sau một thời gian làm quen, đối tượng Mua ngỏ lời yêu và hứa về thăm Sông. Ngày 7/3/2018, Mua gọi điện cho Sông nói là đã về Việt Nam qua cửa khẩu hàng không Nội Bài, trên đường lên Lào Cai, thì bị giữ vì thiếu thủ tục nhập cảnh. Mua nhờ Sông sang Lào Cai làm thủ tục bảo lãnh cho mình.

Tin lời, Sông nhờ bố đẻ là Lý A Páo đưa mình sang Lào Cai. Khoảng 10 giờ ngày 8/3/2018, hai bố con Sông được 2 thanh niên tự giới thiệu là bạn của Mua đón ở bến xe Phố Mới (TP. Lào Cai) và đưa hai bố con Sông về nhà Mua. Đến một con suối nhỏ, bố con Sông được hướng dẫn để xe máy lại và lội qua suối sẽ có người đón. Khi ông Páo quay lại lấy xe máy thì Sông lên xe máy theo 3 người đàn ông đi trước. Sông được đưa vào một phòng trên tầng cao của một ngôi nhà. Tại đây các đối tượng nhốt Sông khoảng 1 tuần rồi bán cho một người đến từ tỉnh An Huy mua về làm vợ (Sông được biết các đối tượng bán cô với giá là 1 vạn nhân dân tệ, tương đương hơn 30 triệu Việt Nam đồng). Sống ở An Huy được khoảng 1 tuần thì Sông bỏ trốn và được Công an tỉnh An Huy giải cứu.

Ngày 30/4/2018, sau khi được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho nhận dạng, Lý Thị Sông đã nhận ra đối tượng Hảng Seo Phong (sinh 1995) dân tộc Mông trú tại Văn Yên, tỉnh Yên Bái là người tham gia giữ Sông ở Trung Quốc trước khi cô bị bán.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Hảng Seo Phong khai nhận, có quen Vàng A Lù (sinh 1995) ở Nậm Pồ, Điện Biên. Lù rủ Phong tham gia vào đường dây lừa phụ nữ Mông sang Trung Quốc bán với thủ đoạn sử dụng tài khoản Facebook và giả làm bác sĩ để làm quen các cô gái. Sau đó, chúng tạo tình huống để lôi kéo nạn nhân sang Lào Cai rồi lừa đưa sang Trung Quốc bán. Với thủ đoạn này bọn chúng đã thực hiện trót lọt 03 vụ....

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án buôn bán phụ nữ qua biên giới, được lực lượng chức năng phát hiện và giải cứu nạn nhân thành công. Theo thống kê, năm 2018 lực lượng Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã phối hợp với cơ quan chức năng, lực lượng Biên phòng nước bạn phát hiện, xử lý 48 vụ buôn bán người qua biên giới, với 9 đối tượng và giải cứu thành công 63 nạn nhân.

Nâng cao cảnh giác

Theo Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai thì, trong năm 2018 số vụ việc và số nạn nhân giải cứu có giảm so với năm 2017. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của các vụ việc và thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm buôn người có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh các “bài” cũ để lừa gạt các nạn nhân. Hiện nay, nhiều đối tượng đã đóng gỉả làm người của công ty, doanh nghiệp đi tuyển lao động, dùng công nghệ thông tin như mạng Zalo, Facebook... để lôi kéo dụ dỗ, tán tỉnh nạn nhân.

Nhiều nạn nhân khi được giải cứu cho biết, chỉ quen biết qua mạng và gặp gỡ ngay lần đầu đã bị các đối tượng bán qua biên giới. Chính vì vậy, các nạn nhân đều không biết rõ địa chỉ, nhà cửa, nhân thân các đối tượng, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.

Cũng theo Đại tá Phúc, hầu hết nạn nhân được giải cứu là người DTTS, sinh sống ở các tỉnh khu vực Tây Bắc. Do ít được va chạm, thiếu hiểu biết nên rất dễ bị bọn tội phạm lừa gạt.

“Rõ ràng, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm buôn bán người thì việc “chống” thôi là chưa đủ mà cần phải làm tốt công tác “phòng”. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa để họ được cập nhật, hiểu được các thủ đoạn của tội phạm buôn người. Cùng với đó, cần giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho bà con. Vì không có việc làm, cuộc sống khó khăn nên với những hứa hẹn đường mật của các đối tượng buôn người rất dễ làm chị em tin tưởng và đi theo chúng”, Đại tá Phúc nhấn mạnh.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Kon Rẫy (Kon Tum): Đường ĐH22 chậm tiến độ, người dân lo lắng

Kon Rẫy (Kon Tum): Đường ĐH22 chậm tiến độ, người dân lo lắng

Đường ĐH22, nối từ thị trấn Đăk Rờ Ve đến xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) được khởi công từ tháng 9/2022 trong niềm vui mừng, phấn khởi của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đăk Pne. Thế nhưng, với sự chậm trễ của nhà thầu thi công, đến nay đường ĐH22 vẫn chưa hoàn thành dù đã hết thời hạn hợp đồng. Điều này làm cho người dân lo lắng khi mùa mưa sắp đến.