Anh Huỳnh Viên Mãn thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ nuôi chồn hươngTrong khu vườn rộng gần 3ha của mình, anh Mãn cho xây dựng 3 gian chuồng để nuôi chồn hương, mỗi gian khoảng 700m2. Ngoài ra, anh tận dụng diện tích còn lại để trồng chuối, cây ăn quả và nuôi bò.
Anh cho biết, hiện nay tổng trang trại anh đang có khoảng 300 con chồn hương các loại, gồm con giống sinh sản, con non và con đang trưởng thành. Để gây dựng nên số lượng lớn như bây giờ từ 25 con chồn giống ban đầu, anh đã trải qua nhiều những gian nan.
“Tôi khởi nghiệp với chồn hương sau khi từ Đà Nẵng về. Nhưng thời gian đầu thiếu kiến thức, kỹ thuật nên không được như mong muốn. Lúc đó, chân ướt chân ráo, không biết gì, nên khi nuôi, con giống không sinh sản được, hoặc con non sinh ra thì hay bị bệnh và chết”, anh Mãn nói.
Bình quân mỗi chồn cái đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lần sinh 3 - 5 conSau khi khởi nghiệp thất bại, anh chuyển sang nuôi gà, nuôi bò. Tuy nhiên, đầu ra của gà thịt gặp khó, dẫn đến lỗ vốn. Không nản chí, anh tiếp tục đầu tư nuôi lại chồn hương khi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi.
Cùng với tìm hiểu kinh nghiệm trên các trang mạng, khoảng năm 2018, anh đi thực tế vào Bình Định, các tỉnh phía Nam để học cách nuôi chồn hương. Khi tự tin có kiến thức, anh mua giống chồn hương về để tiếp tục nuôi.
Kinh phí để đầu tư chuồng trại, lẫn con giống khoảng 800 triệu đồng, trong đó hơn nửa là anh Mãn vay vốn. Chuồng nuôi được anh làm theo dãy dài, trong đó chia ra thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô có diện tích sàn khoảng 1m2 và cao 70cm, tương ứng với 1 cá thể chồn hương.
Theo dõi chồn cái sinh sản để kịp thời tách con non ra nuôi riêngQua nhiều cố gắng, năm 2021, anh mừng rỡ vì phối giống thành công, con non sinh trưởng khỏe mạnh. Anh nói, kể từ đầu năm đó đến nay, mô hình nuôi chồn của anh luôn thuận lợi, chấm dứt chuỗi ngày long đong tìm hướng khởi nghiệp.
Anh chủ yếu bán chồn thịt cho các nhà hàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, và xuất đi Hà Nội. “Giá hiện nay khoảng 1,4 triệu đồng/kg chồn thịt. Để đạt trọng lượng tiêu chuẩn, thường từ 2,4 – 4kg, thời gian chăm sóc từ con non đến khi bán khoảng 11-12 tháng”, anh Mãn nói.
Anh chia sẻ, khi chồn đạt được trọng lượng như trên, và phải săn chắc thịt thì mới bán được. Nhiều con đủ tuổi, nhưng mập quá thì phải nuôi cho chắc thịt mới xuất bán. Theo ước tính, mỗi con chồn cái có thể mang về thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi năm.
Trung bình mỗi năm, doanh thu từ chồn hương mang về cho anh Mãn khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 500 triệu đồng. Sau khi đã đầu tư chuồng trại ban đầu, thì chi phí để nuôi chồn không nhiều, chủ yếu tiền thức ăn, tiền mua vật liệu vệ sinh chuồng trại.
Chuồng nuôi chồn đặt cao hơn mặt đất để dễ dàng cho việc vệ sinhTheo anh Mãn, nuôi chồn hương không quá khó, nhưng đòi hỏi khâu vệ sinh chuồng trại phải kỹ. Hằng ngày, anh xịt nước vệ sinh chuồng, và rải vôi định kỳ hằng tuần để khử khuẩn khu vực nuôi.
Thức ăn của chồn chủ yếu là quả chuối, cháo cá, cá trê. Chuối được anh trồng trong vườn quanh trại, còn cá anh đặt mua. Chồn chỉ ăn một lần trong ngày, vào chập tối. Do vậy, việc chăm sóc cũng không mất quá nhiều thời gian.
Khi đến độ tuổi sinh sản, thường từ 10-12 tháng tuổi, chồn cái sẽ được cho giao phối. Thời gian sinh sản của chồn kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7, mỗi lần mang bầu kéo dài khoảng 2 tháng. Trong thời gian này, chồn sinh sản cần đảm bảo dinh dưỡng, nhất là canxi.
“Bình quân mỗi chồn cái đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lần sinh 3 - 5 con. Khi sinh, chồn mẹ tự cho con bú, sau 60 ngày tuổi, mình tách chồn con ra riêng để nuôi dưỡng”, anh Mãn nói.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Mãn cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng trang trại để nuôi chồn, nâng số con giống sinh sản lên 200 – 300 con. “Tôi sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật mà mình biết với tất cả những bạn trẻ muốn khởi nghiệp với mô hình này”, anh Mãn nói thêm.