Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng: Ngành Y tế phải khắc phục ngay hạn chế, khó khăn, coi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe Nhân dân là trên hết

PV - 16:48, 15/05/2021

Ngày 15/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá sát tình hình thực tế, đề xuất những giải pháp trọng tâm nhằm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung thảo luận, đánh giá thành quả nổi bật, cũng như những hạn chế của ngành Y tế trong thời gian qua; nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan của những thành tựu, hạn chế; bài học kinh nghiệm; đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển ngành Y tế trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp triển khai trong công tác phòng, chống dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, số lượng các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1. Bên cạnh đó, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác.

Về năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, hiện ở mức gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất lên từ 1,5 đến 2 lần và tối đa có thể đạt 290.000 mẫu/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày. Tính đến ngày 13/5, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được trên 3 triệu mẫu tương đương gần 4 triệu người được xét nghiệm, xác định 3.710 người dương tính. Đến ngày 13/5, cả nước đã triển khai tiêm được 969.730/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt 106%.

Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, theo đó Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều, tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine. Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công, dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 như: Đạt tỷ lệ 28 giường bệnh/1 vạn dân; 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đạt 6/7 các chỉ tiêu cụ thể khác trên từng lĩnh vực được Chỉnh phủ giao. Công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe Nhân dân được đảm bảo. Công tác khám chữa bệnh được nâng lên, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng từ 80,8% năm 2018 lên 83,62%, tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú tăng từ 74,8% năm 2018 lên 78,9%. Ngành Y tế đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học, tiến bộ y học, công nghệ thông tin vào các hoạt động y tế...

Ngành Y tế nhận thấy những hạn chế cần tháo gỡ, đồng thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành liên quan một số vấn đề mang tính thể chế nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ như: Xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư trong ngành y; tăng đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các trạm y tế xã, bệnh viện lao, phong, tâm thần; sửa đổi quy định về ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã; điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cho ngành Y tế; cho phép đầu tư một số dự án trọng điểm của ngành Y tế; đặc biệt cần có ngay nghị quyết về cơ chế, chính sách mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vaccine ngừa COVID-19...

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm phòng chống, đẩy lùi dịch COVID-19, coi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe Nhân dân là trước hết, trên hết; trước mắt bảo vệ an toàn, thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phấn đấu đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế và các cấp, các ngành liên quan tiếp tục rà soát những việc đã làm, kịp thời khắc phục những hạn chế; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng, chống dịch COVID-19. Với tinh thần phòng, chống từ sớm, từ xa; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, song lấy tấn công là chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Y tế và các ngành, các cấp cần thực hiện mạnh mẽ, tích cực xét nghiệm chủ động. Đẩy mạnh ứng công nghệ bắt buộc theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông vào phòng, chống dịch. Thực hiện “chiến lược vaccine”, trong đó tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine có hiệu quả, để nhập theo kế hoạch, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm cho nhân dân. Tăng cường vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm có nguy cơ cao.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống COVID-19. Kêu gọi mọi người dân tự giác vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch, trước hết là để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và vì lợi ích quốc gia, dân tộc; không lơ là, chủ quan, song cũng không hoảng hốt, hoang mang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân, mô hình tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là những người, lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch như y tế, công an, quân đội..., đồng thời xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị lơ là, chủ quan và không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Thủ tướng đặc biệt mong muốn các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, huy động trí tuệ, nguồn lực tổng hợp trong phòng, chống dịch. Theo đó, những địa phương có kinh nghiệm hay, tình hình dịch được kiểm soát tốt thì chia sẻ, chi viện cho những địa phương còn khó khăn, dịch bệnh diễn biến khó lường; những người có điều kiện giúp đỡ người không có điều kiện; người không bị nhiễm dịch giúp đỡ người mắc dịch...

Về hoạt động của ngành Y tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thành tựu mà ngành Y tế đạt được trong thời gian qua là hết sức cơ bản, có tính chất quyết định, toàn diện, từ Trung ương đến cơ sở, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của các nước, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, Việt Nam là một trong số ít nước phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Thủ tướng cho rằng, kết quả trên là do ngành Y tế đã thực hiện tốt chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và sự vào cuộc của nhân dân, đồng thời nhờ nỗ lực phấn đấu, hi sinh của cán bộ, công chức, y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên ngành Y tế.

Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế mà ngành Y tế cần khắc phục như: Chưa có chiến lược tổng thể phát triển ngành Y tế ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới. Thể chế, cơ chế, chính sách về y tế còn nhiều vướng mắc, bất cập, hạn hẹp, nhất là trong huy động nguồn lực cho phát triển ngành Y tế. Tổ chức bộ máy ngành Y còn bất cập, chưa hợp lý, chức năng, quyền hạn có nơi còn chồng chéo, chưa rõ. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cơ sở vật chất, đầu tư tài chính cho ngành Y chưa xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác xây dựng Đảng có nơi, có lúc còn lơ là. Trong ngành Y vẫn còn để xảy ra những phiền hà, gây tâm tư, bức xúc trong nhân dân. Việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường trong ngành Y cần phải nghiên cứu để làm tốt hơn. Đời sống, vật chất, điều kiện làm việc của y, bác sĩ, người lao động trong ngành Y có nơi còn khó khăn. Công tác phòng, chống dịch bệnh có nơi, có lúc còn lơ là, bị động, lúng túng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có ngành Y tế, song tình hình sắp tới còn nhiều khó khăn, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề lớn như vấn đề già hóa dân số, dịch bệnh mới khó lường, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân ngày càng nặng nề.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Y tế phải khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình hành động của ngành Y tế thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với các mục tiêu, chiến lược lớn đã được ghi trong Nghị quyết; phát huy những thành tựu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực y tế và liên quan chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và gắn với quy định nêu gương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ, chuyên môn chất lượng cao, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ. Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành Y. Thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Có giải pháp khắc phục, thích ứng với tình trạng già hóa dân số…

Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế thực hiện một số nhiệm vụ có tính chất cấp bách, đột phá như: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với tình hình và tổ chức thực thi hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đầu tư, phát triển y học chuyên sâu; huy động mọi nguồn lực hợp pháp vào phát triển sự nghiệp y tế, nhất là đẩy mạnh hợp tác công-tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực y tế; thực hiện tốt hơn nữa công tác thi đua khen thưởng; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tránh gây phiền hà cho Nhân dân; thực hiện tổng kết thực hiễn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành y và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; coi trọng công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, đấu tranh trước các thông tin sai trái…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế, đồng thời ghi nhận, hoan nghênh, biểu dương đối với những đóng góp của toàn ngành Y tế, nhất là những hy sinh, vất vả của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và hỗ trợ bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh./.