Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống Covid-19

PV - 19:44, 07/05/2021

Chiều 7/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương cả nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay trên thế giới, nhất là các nước Nam Á, Đông Nam Á, các nước láng giềng, tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp. Chúng ta thấy rõ, số người mắc bệnh, số tử vong vẫn có chiều hướng tăng lên, diễn biến khó lường. Gần đây xuất hiện chủng mới lây nhiễm nhanh, gây tử vong nhanh, khó dự đoán.

Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới sự tổ chức thực hiện, quản lý của các cấp chính quyền, cùng với sự vào cuộc của Nhân dân, chúng ta đang cơ bản kiểm soát được tình hình, vững tin để làm tiếp. Tuy nhiên, vừa qua, nguyên nhân của dịch bệnh bùng phát là do sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân, cộng với ngày nghỉ lễ dài ngày. Diễn biến dịch nhanh, khó lường. So với các nước chung quanh thì chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Nhưng chúng ta cần tránh hai khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh.

Trong lúc này, Thủ tướng yêu cầu chúng ta cần tỉnh táo, bình tĩnh, thông minh, sáng suốt, đánh giá, nắm chắc tình hình, lựa chọn phương án xử lý phù hợp để vừa phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình, vừa chống dịch, khắc phục hậu quả tốt hơn.

Bên cạnh các địa phương để xảy ra những điều đáng tiếc như vừa qua, Thủ tướng cũng biểu dương các địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch; biểu dương, đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc. Biểu dương nhiều tỉnh, Ban Chỉ đạo tại các tỉnh do các đồng chí Bí thư cấp ủy lãnh đạo, các đồng chí Chủ tịch UBND vào cuộc thì công việc trôi chảy hơn, do đó cần rút kinh nghiệm, kiện toàn Ban Chỉ đạo để làm việc tốt hơn; Biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội thể hiện vai trò nòng cốt, xung kích rất tốt. Phát huy khí thế, thành quả, kinh nghiệm qua ba đợt dịch để đúc rút kinh nghiệm, bài học lãnh đạo, chỉ đạo công việc tiếp theo tốt hơn. Chúng ta phải nỗ lực hết sức tỉnh táo, ngăn chặn không để xảy ra làn sóng dịch lần thứ tư.

Chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như tinh thần của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự lưu ý của Chủ tịch nước. Trên tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Nhân dân, trên cơ sở những quyết định, quy định, quy chế, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, căn cứ chức năng, quyền hạn, thẩm quyền để lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tiễn, phù hợp thực tiễn, mang lại hiệu quả.

Chúng ta phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý của các cấp chính quyền, huy động sự vào cuộc của Nhân dân. Càng khó, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải huy động sức mạnh, trí tuệ tập thể, phát huy hết nội lực với tinh thần “phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống là quan trọng, thường xuyên, quyết liệt”, tư tưởng chỉ đạo là "Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng không lo sợ, hoảng hốt, mất bình tĩnh.

Càng khó khăn, càng phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, càng tỉnh táo, khôn khéo, xử lý công việc sáng tạo, bám sát tình hình. Chúng ta chuyển từ trạng thái chủ yếu phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngự với tấn công, lấy tấn công là chính. Tăng cường các biện pháp tích cực, chủ động; tăng cường các biện pháp về công nghệ; tăng cường kiểm soát, giám sát, kiểm tra, xử lý cụ thể; thực hiện nghiêm “5K + vaccine”. Tình hình mới khó khăn hơn phải có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Chúng ta phải phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Các quy định, quy chế cơ bản là đầy đủ, nhưng chúng ta cần tiếp tục rà soát, bổ sung. Phải phân cấp: Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn lo cho thôn, từng người lo cho chính mình, vì sức khoẻ cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của chính mình trên tinh thần tỉnh kiểm tra, giám sát huyện, huyện kiểm tra, giám sát xã… với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã, xã không làm thay thôn, thôn không làm thay cho từng người. Đó chính là lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Ở đâu người đứng đầu gương mẫu chấp hành, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa ra các giải pháp phù hợp thì tình hình ở đó sẽ tốt, không chỉ trong phòng, chống dịch mà cả các lĩnh vực khác. Ở đâu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác thì sẽ để xảy ra hậu quả. Cho nên, vừa qua, Chính phủ rất quyết liệt trong xử lý trách nhiệm những người để xảy ra hậu quả; khen thưởng một số trường hợp làm tốt. Chúng ta không thể nể nang trong vấn đề này. Một số nơi làm tốt như vừa qua ở Yên Bái, Hà Nam. Nhưng tõ ràng là ở Vĩnh Phúc đang có vấn đề.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo cụ thể hóa rõ khi thiết kế các công cụ, cơ chế, chính sách phải rõ địa chỉ, trách nhiệm, rõ các cấp, đơn giản từ ngữ, dễ nhớ, dễ nghe, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra. Những nơi để xảy ra dịch thì phải khẩn trương chấn chỉnh quyết liệt, nhất là thực hiện cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe sau cách ly, tập trung cách ly đối với người nhập cảnh bảo đảm đủ thời gian quy định; thực hiện nghiêm các khâu bàn giao, cách ly tại gia đình.

Vừa qua nổi lên hai vấn đề là xuất nhập cảnh trái phép và quản lý người cư trú trái phép. Do đó phải huy động lực lượng công an rà soát, kiểm điểm lại vấn đề này. Phải tăng cường quản lý người cư trú trái phép vì chúng ta có đủ các lực lượng chức năng. Bí thư cấp ủy các cấp, thủ trưởng các cơ quan chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, rà soát.

Nếu hệ thống chính trị vững, huy động sức mạnh của Nhân dân thì sẽ kiểm soát được vấn đề này. Muốn làm tốt việc này thì không thể thiếu vai trò của người dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Do đó phải phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân trong phòng chống và khắc phục hậu quả Covid-19. Chúng ta có lực lượng, công cụ trong tay thì không để sơ hở. Cần siết chặt quản lý xuất nhập cảnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Công tác phòng ngừa vừa qua không tốt nên phải đi xử lý tình huống. Đặc biệt là vấn đề cư trú bất hợp pháp cần được xử lý. Cần huy động sức mạnh của Nhân dân. UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa phương với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Việc tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn là khâu yếu. Qua đợt dịch này, chúng ta càng thấy việc tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở là khâu yếu đúng như nhận định của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Việc này rõ ràng là ở cấp cơ sở. Tư tưởng chỉ đạo là tăng cường cơ sở, hướng về cơ sở, kiểm soát chặt chẽ cơ sở, quy trách nhiệm cho cơ sở.

Chúng ta phải tăng cường chống dịch ở những nơi tập trung đông người như bến xe, sân bay, cơ sở y tế, siêu thị, khu du lịch, cơ sở thờ tự, cơ sở lưu trú… Ở cơ sở, chúng ta cũng có đủ lực lượng. Tuy nhiên, quân đội cần huy động thêm lực lượng dân quân tự vệ tích cực vào cuộc. Thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19; khen thưởng những trường hợp làm tốt, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm, kể cả các cán bộ, công chức Nhà nước.

Nếu ai không làm được thì đứng ra một bên. Chúng ta không thể nể nang, né tránh; cái gì chưa được phải cố gắng khắc phục, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, truy cứu trách nhiệm. Đối với các cơ quan, tập thể, địa phương, phải thực hiện an toàn COVID-19 bằng cách phát huy sáng tạo của người Việt Nam, tăng cường công nghệ trong phòng, chống dịch.

Về vấn đề vaccine, Thủ tướng đánh giá công tác tiếp cận vaccine đang gặp khó khăn vì cả thế giới đang đổ xô đi mua vaccine, trong khi các nguồn sản xuất có hạn. Tuy nhiên Chính phủ, Ban Chỉ đạo đang hết sức cố gắng, đặc biệt là Bộ Y tế. Do đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải nhanh chóng tiếp cận bằng mọi cách, mọi nguồn, mọi quan hệ để chúng ta mua được vaccine. Những lô vaccine đã về thì phải sử dụng hiệu quả. Chúng ta phải nhận thức rõ là vaccine nào cũng có rủi ro, phản ứng phụ nhưng không đáng kể.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế rà soát lại các quy định, quy chế. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc rà soát lại khâu tổ chức, quản lý tại cơ sở. Bộ Y tế tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các khâu như bàn giao, quản lý sau cách ly... Vừa qua, các địa phương có nơi, có lúc xử lý “quá tả, quá hữu”, lúc thì lơ là, chủ quan, lúc thì hoảng hốt, sợ sệt. Trên cơ sở phân cấp, phân quyền, bí thư cấp ủy, Chủ tịch, Thủ trưởng các cơ quan chính quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình căn cứ vào quy định, quy chế, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền.

Các tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phân cấp phải bảo đảm hẹp nhất có thể, tránh tối đa bất lợi xã hội; hết sức lưu ý việc thông quan hàng hóa, nguyên liệu sản xuất. Rút kinh nghiệm vừa qua chúng ta đã thực hiện ở Chí Linh (Hải Dương). Qua các lần dịch, lần sau phức tạp, khó khăn hơn lần trước thì chúng ta phải trưởng thành hơn.

Thủ tướng yêu cầu Thái Bình nghiên cứu kỹ việc thực hiện giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 82/TB-VPCP, nếu có vấn đề phát sinh thì xin ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế. Ngay việc này, chúng ta phải chấp hành nghiêm, đúng quy định. Nếu quy định chưa đúng thì phải sửa. Không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá.

Bộ Y tế tiếp tục cập nhập các phương án, kịch bản dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ. Các tỉnh chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, cách ly, phải xây dựng kịch bản, tình huống, sẵn sàng chống dịch. Tư tưởng là không được trông chờ, ỷ lại mà phải tự lực tự cường; phát huy sức mạnh, trí tuệ của Nhân dân. Truyền thống quý báu của dân tộc ta là đấu tranh chống ngoại xâm, đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ nhau khi khó khăn thì nay vận dụng vào với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thủ tướng đề nghị phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, “biến không thành có, biến không thể thành có thể” với tinh thần tấn công quyết liệt. Nơi làm tốt dứt khoát phải khen thưởng, động viên; nơi làm không tốt phải phê bình, xử lý. Đây cũng là biện pháp chống dịch. Mục tiêu cao nhất lúc này là tập trung phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn, an ninh, an dân, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, cộng đồng.

Bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng các kịch bản khi có dịch bệnh, chủ động báo cáo T.Ư. Tổ chức cuộc bầu cử phải an toàn, phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật, lựa chọn đại biểu đúng người, đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, uy tín.

Tổ chức kết thúc năm học 2020-2021 đạt kết quả cao, đúng luật, theo tình hình cụ thể, bảo đảm chống dịch.

Về công tác truyền thông, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm khách quan, tích cực, chia sẻ, tạo hiệu ứng tốt, sức lan toả để cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác của người dân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sức khỏe của cộng đồng và chính mình, tự giác và gương mẫu thực hiện các quy định, quy chế. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong phòng, chống dịch; không thể để tình trạng “một người lơ là, cả xã hội vất vả”. 

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.