Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc

PV - 10:15, 22/07/2023

Sáng 22/7, tại Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Dự hội nghị có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, tham dự hội nghị có 300 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng toàn quốc.

Trong số các đại biểu tham dự hội nghị, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểm đến từ TP. Hà Nội là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay Mẹ tròn 98 tuổi. Hội nghị có 13 đại biểu đến nay đã trên 90 tuổi; có 25 đại biểu là người DTTS Hà Nhì, Hrê, Khmer, Mường, Nùng, Pa Cô, Tà Riêng, Tày, Thái, Xê Đăng; 1 đại biểu là lão thành cách mạng, 11 cán bộ tiền khởi nghĩa, 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 47 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 100 thương binh, 31 bệnh binh, 64 thân nhân liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, bằng hình thức sân khấu hóa, kết hợp giao lưu trực tiếp, các đại biểu đã ôn lại những trang sử hào hùng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, ngợi ca, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và lớp lớp những người đi trước đã chiến đấu, cống hiến, hi sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân.

Chương trình khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội tri ân, động viên những người có công với cách mạng; phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" trong cả nước. Đặc biệt, tôn vinh, tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, người có công, gia đình có công với cách mạng luôn phát huy truyền thống cách mạng, là chỗ dựa vững chắc của Đảng bộ và chính quyền các cấp, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, trong công cuộc dựng xây khối Đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dành hơn 350.000 tỷ đồng trong 10 năm cho công tác người có công

Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng tại hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 76 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 11/11/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 01/7/2023 sẽ thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, theo đó đề xuất điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tăng 26,54%. Với việc điều chỉnh này, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng.

Đây là một chính sách đột phá, có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là hơn 400 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách, chế độ ưu đãi nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, trong dịp tháng 7/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chúng ta đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, đặc biệt những trường hợp này hy sinh từ thời kỳ chống Pháp, đặc biệt có trường hợp hy sinh cách đây 91 năm, đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ (cụ Phạm Khánh ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Liệt sĩ Trang Hồng Vinh, quê quán huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nguyên là hiệu tín viên (báo vụ viên), hy sinh năm 1953, nằm ở Chiến khu R, nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. Và hôm qua 21/7, với rất nhiều những nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sĩ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong niềm vui vô hạn của thân nhân và ngành bưu chính viễn thông.

Với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2012 - 2022, ngân sách nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác, công tác xây dựng, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…

Các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; 2.988 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Đến nay, 99% hộ người có công với cách mạng cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.