Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thư viện cộng đồng giữa làng Chăm Hoài Ni

PV - 10:17, 06/09/2019

Trong những ngày đầu bước vào năm học mới 2019- 2020, ngôi nhà của gia đình anh Vạn Đại Phú ở thôn Hoài Ni, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) trở thành điểm đến của nhiều em học sinh địa phương. Với tâm huyết thành lập thư viện nhằm tuyên truyền văn hóa đọc, góp phần rèn luyện kỹ năng sống và tiếp nguồn tri thức cho thanh thiếu niên vùng đồng bào Chăm, mô hình thư viện cộng đồng của sinh viên Vạn Đại Phú nhận được sự đồng thuận giúp đỡ của chính quyền và Nhân dân.

Thư viện của anh Vạn Đại Phú hiện có trên 1.000 bản sách các loại được sắp xếp trong căn phòng rộng khoảng 40m2 được cải tạo từ kho lúa và chuồng nuôi gà của gia đình. Các em học sinh đến đọc sách được ngồi trên nền nhà tráng xi măng, không gian bảo đảm đủ ánh sáng và quạt gió thông thoáng. Ngoài việc đọc sách, tô màu cho tranh, các em còn được tham gia các trò chơi dân gian trên khoảng sân nhà rộng rãi.

Anh Hải Đăng Huy, cán bộ phụ trách văn hóa xã Phước Thái cho biết, chính quyền địa phương cho phép anh Phú thành lập thư viện gia đình phục vụ nhu cầu đọc sách, vui chơi giải trí lành mạnh của các em học sinh cũng như người dân thôn Hoài Ni. Đây là mô hình thư viện gia đình phục vụ cộng đồng đầu tiên đi vào hoạt động ở xã Phước Thái, tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở địa bàn khu dân cư.

Sinh viên Vạn Đại Phú (đeo kính) trong thư viện cộng đồng tại làng Chăm Hoài Ni, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Sinh viên Vạn Đại Phú (đeo kính) trong thư viện cộng đồng tại làng Chăm Hoài Ni, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Trao đổi với người sáng lập thư viện ở thôn Hoài Ni, chúng tôi được biết Vạn Đại Phú hiện là sinh viên năm thứ tư chuyên ngành May của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Phú cho biết trước đây gia đình anh thuộc diện khó khăn bậc nhất thôn Hoài Ni, ba mẹ làm thuê cuốc mướn nuôi 5 người con. Năm học 2012-2013, Phú trúng tuyển vào lớp 10 hệ công lập của Trường THPT Phạm Văn Đồng cách nhà khoảng 7 cây số. Sau khi nhập học được hai tháng, Phú đành phải nghỉ học vô TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may cho cơ sở tư nhân với thu nhập 4 triệu đồng/tháng vì gia cảnh khó khăn.

Sau một năm lao động tích lũy chút đỉnh vốn liếng phụ giúp ba mẹ nuôi 4 em đi học vừa sắm được xe đạp và mua sắm sách vở, Phú tiếp tục trở lại học lớp 10 vào năm học 2013-2014. Trong suốt ba năm học THPT, Vạn Đại Phú được xếp loại học tập khá. Bước vào kỳ thi đại học, Phú tập trung ôn tập củng cố kiến thức làm tốt bài thi tổ hợp Toán-Lý-Hóa đạt 22 điểm, anh trúng tuyển hai trường đại học là ngành Vật liệu kỹ thuật của Trường Đại học Bách khoa và ngành May của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học mà anh Phú rưng rưng nước mắt vì kinh tế gia đình quá khó khăn, ba mẹ không lo được chi phí cho con vào TP. Hồ Chí Minh nhập học. Thầy giáo Lê Hữu Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng đến nhà thăm hỏi và trao tặng học bổng của Nhóm Thiện nguyện giúp Phú có điều kiện vào đại học. Đến năm học thứ ba vừa qua, Phú vừa học vừa làm thêm có thu nhập kết hợp nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội bảo đảm đủ trang trải cho cuộc sống, anh tự nguyện nhường học bổng hỗ trợ của Nhóm Thiện nguyện cho bạn khác.

Từ một học sinh nghèo khó, Phú vươn lên học tập khá giỏi nhờ ham học hỏi kiến thức từ sách. Anh vận động các mạnh thường quân đồng hành giúp đỡ nguồn sách và hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng xây dựng thư viện sách tại gia đình ở thôn Hoài Ni. Trước khi trở lại TP. Hồ Chí Minh bước vào năm học thứ tư, Phú giao thư viện cho gia đình quản lý phục vụ miễn phí cho học sinh và bà con thôn xóm.

Thầy giáo Lê Hữu Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Phạm Văn Đồng nhận xét: Em Vạn Đại Phú là học sinh nêu gương sáng về ý chí và tinh thần nỗ lực tự học tự rèn, vươn lên làm giàu kiến thức từ sách vở. Thầy cô giáo nhà trường luôn đồng hành động viên giúp em Phú có điều kiện đến trường thi đua học tập tốt. Em Phú thành lập thư viện gia đình, nhà trường hỗ trợ sách, kinh phí và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức quản lý hoạt động hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa đọc cho học sinh và người dân địa phương. Chắc chắn, tấm gương về sự ham học của Phú sẽ là động lực để các em học sinh dân tộc Chăm nỗ lực vươn lên trong học tập

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.