Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Cao Bằng: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị (Bài 1)

Thùy Như - 15:10, 28/06/2024

Theo kế hoạch, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 50 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã NTM đạt dưới 15 tiêu chí. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Cao Bằng đang phát huy mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, của doanh nghiệp và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


(BCĐ- bài CĐ NTM tỉnh Cao Bằng đã có HĐ) Thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Cao Bằng: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị (Bài 1)
Trong năm 2023, toàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 15 đợt hạn hán, mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá gây nhiều thiệt hại về người, tài sản; ước tính tổng thiệt hại hơn 176,7 tỷ đồng. (Trong ảnh: Sạt lở đường giao thông tại huyện Bảo Lạc)

Nỗ lực vượt khó khăn

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, trình độ sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn lạc hậu. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Cao Bằng, ngay từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM (năm 2010), tỉnh đã xác định đây là hành trình đầy gian nan. Bởi, bên cạnh xuất phát điểm kinh tế - xã hội của tỉnh quá thấp thì còn do địa hình chia cắt, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm,…

Đặc biệt, một trong những khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM là nguồn lực đầu tư rất hạn hẹp do thu ngân sách nhà nước của Cao Bằng rất thấp. Nghị quyết số 72/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh Cao Bằng thể hiện rõ: Năm 2010, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt gần 4.524 tỷ đồng. Trong khi đó, điều kiện đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên sức đóng góp của Nhân dân vào quá trình xây dựng NTM của tỉnh rất hạn chế.

Với xuất phát điểm đó, tỉnh Cao Bằng xác định, tỉnh sẽ “đi chậm, nhưng quyết tâm không bị bỏ lại phía sau” trong xây dựng NTM. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng vượt khó của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, Cao Bằng đã từng bước làm mới diện mạo nông thôn; dù chưa bắt kịp cùng các địa phương khác trong xây dựng NTM nhưng hiện cũng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Theo Báo cáo số 1533/BC-SNN ngày 18/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh có 17/139 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020. Tính đến ngày 15/6/2024, theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 14 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; có 25 xóm đạt chuẩn NTM và 03 xóm đạt chuẩn NTM kiễu mẫu.

Để có được kết quả dù còn khiêm tốn này, bên cạnh việc chắt chiu từng đồng ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ thì tỉnh đã huy động được sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và công sức của đồng bào các dân tộc. Trong giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư và các đơn vị tài trợ được 29 tỷ 903 triệu đồng; Nhân dân tham gia đóng góp được hơn 77.633 ngày công lao động. Trước đó, giai đoạn 2010 – 2019, theo Báo cáo số 4217/BC-BCD ngày 29/11/2019 của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hơn 90 nghìn m2 đất, hơn 80 nghìn ngày công lao động, hàng nghìn m3 nguyên vật liệu… để xây dựng NTM.

(BCĐ- bài CĐ NTM tỉnh Cao Bằng đã có HĐ) Thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Cao Bằng: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị (Bài 1) 1
Cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng quyết tâm xây dựng NTM. (Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nguyên Bình)

Theo ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, qua thực tiễn triển khai cho thấy, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bản tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng đến từng bản làng, thôn xóm, xã, phường. Các cơ quan đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; từ đó tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, huy động người dân chung tay, góp sức xây dựng NTM.

Chủ động vượt thử thách

Sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân cũng như hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trước hết là xuất phát từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thôn bản.

Tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn gặp nhiều cản trở do liên tục bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Chỉ tính trong 6 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1979,18 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; 15 công trình thủy lợi bị sạt lở; 44 điểm trường và 04 trạm y tế bị tốc mái; 41 nhà văn hóa bị thiệt hại; 11.348 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng;…

Ngay từ khi triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày18/10/2011 để lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 05/7/2012 về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020, là căn cứ pháp lý để UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ dạo các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã được thành lập ở cả 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) với cơ chế hoạt động rõ ràng.

Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh Cao Bằng càng được nêu cao hơn bởi các tiêu chí NTM của giai đoạn này đã được nâng lên so với giai đoạn trước. Riêng trong năm 2024, tỉnh Cao Bằng phấn đấu tăng thêm 05 xã đạt từ 17 – 18 tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025. Tính đến ngày 15/6/2024, tỉnh có thêm 02/05 xã đạt 17 tiêu chí, đạt 40% kế hoạch năm 2024.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà, trong xây dựng NTM, một trong những giải pháp được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh quan tâm thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Tính riêng giai đoạn 2011 – 2020, bên cạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì toàn tỉnh đã tổ chức được 1.595 hội nghị tuyên truyền NTM, với 75.360 lượt người tham gia; Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng đã tuyên truyền lồng ghép trong 2.200 buổi họp, sinh hoạt thôn xóm, với 133.100 lượt người nghe; Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền được 1.278 buổi, với 38.340 lượt người nghe;…

(BCĐ- bài CĐ NTM tỉnh Cao Bằng đã có HĐ) Thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Cao Bằng: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị (Bài 1) 2
Tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực vượt khó trong xây dựng NTM. (Trong ảnh: Diện mạo nông thôn mới ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa)

Thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng hành trình xây dựng NTM của Cao Bằng vẫn vô cùng gian nan khi vẫn còn 02 huyện “trắng” xã NTM, số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn cao; toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn NTM nâng cao… Vì vậy, phát biểu tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra cuối tháng 11/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê đã yêu cầu, các cấp, ngành tiếp tục chỉ đạo, chủ động, trách nhiệm, tích cực huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu các cấp, ngành tập trung phát huy sáng kiến, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; tăng cường giám sát thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có xây dựng NTM; kịp thời nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình mới; khơi dậy và phát huy tính tích cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện Chương trình. 


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.