Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng cơ chế phù hợp với tình hình mới

Minh Thu - 17:55, 05/07/2021

Giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, phải tương thích với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bằng cơ chế, chính sách phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Mới đây, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa XIV đã tổ chức phiên họp thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (Chương trình NTM) và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững (Chương trình giảm nghèo) giai đoạn 2021 - 2025 cùng sự tương thích với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG). 

Phiên họp ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia về tính khả thi, cơ chế thực hiện các Chương trình và sự tương thích với Chương trình MTQG. Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi ý kiến của các đại biểu tham dự về vấn đề này.

TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi 

TS. Hoàng Xuân Lương
TS. Hoàng Xuân Lương

Trong việc thực hiện Chương trình NTM, cần đưa các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng DTTS là ưu tiên số 1, tránh trùng lặp về hạng mục, địa bàn thôn, hộ; thời điểm đầu tư. Nếu các giải pháp, các hạng mục lại loại bỏ vùng DTTS ra ngoài là không hợp lý. 

Như thế vùng DTTS ngày càng tụt hậu. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần.

Đồng thời, trong Chương trình NTM, cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường trong tương quan phát triển kinh tế và ổn định xã hội; quan tâm đến suất đầu tư, đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, chú trọng các mô hình nông nghiệp sạch để bảo vệ môi trường cũng như quan tâm, coi trọng công tác chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

TS. Phan Văn Hùng
TS. Phan Văn Hùng

Hiện còn 187 xã chưa có đường ô tô;  6.357 thôn, bản là đường đất, đường tạm, 31 xã chưa có điện; 3.400 thôn bản chưa có đường điện hạ thế, 11,4% người DTTS chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh; 59,6% hộ DTTS chưa có hố xí hợp vệ sinh, một số dân tộc Xinh Mun, Mảng, Khơ Mú chỉ có hơn 10% có công trình phụ… 

Tỉ lệ mù chữ, tảo hôn còn khá cao, việc áp dụng KHCN vào sản xuất còn hạn chế, người dân được tiếp cận vốn tín dụng rất thấp... Do đó, hai Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo phải tập trung đầu tư vào những nơi khó khăn nhất.

Trong tổ chức thực hiện, cần coi trọng vấn đề quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, cần có đột phá để thay đổi, bởi công tác này còn phân tán, mới chỉ dừng lại ở mức độ đưa người dân ra khỏi vùng sạt lở, thiên tai, nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần nhận diện rõ tỉ lệ mù chữ, nạn tảo hôn, nạn “tín dụng đen” ở vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK, xem đây là những rào cản trong thực hiện Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo. 

Cần nhận diện rõ những rào cản để đầu tư phù hợp, đồng thời, có cơ chế phối hợp, lồng ghép, thông tin, báo cáo, giám sát, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức thực hiện như thời gian qua. Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo cần đặc biệt coi trọng đối tượng thụ hưởng là đồng bào DTTS nghèo, nếu bỏ qua những xã ĐBKK ra khỏi diện đầu tư thì đó là chưa đúng trọng tâm, trọng điểm.

PGS. TS Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Ủy ban Dân tộc

PGS. TS Lê Ngọc Thắng
PGS. TS Lê Ngọc Thắng

Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo cần làm rõ sự quan tâm về an sinh xã hội song hành với giảm nghèo, cụ thể hóa thành các dự án. Cần thiết kế, thể chế hóa an sinh xã hội xứng tầm quốc gia. Có hướng dẫn triển khai ở vùng DTTS, chú ý việc giao quyền để địa phương cụ thể hóa an sinh xã hội, để an sinh xã hội đi vào cuộc sống. 

Chỉ địa phương mới có giải pháp cụ thể để quan tâm đến đối tượng an sinh xã hội, đối tượng dễ tổn thương, tính đặc thù của các nhóm đối tượng, thể hiện sự ưu việt của chế độ.

Bên cạnh đó, Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo cần rà soát về đối tượng giảm nghèo, tránh tình trạng dàn trải. Chú trọng địa bàn khi áp dụng chuẩn nghèo mới. Các chỉ tiêu phải đảm bảo tính khả thi, từ đó phân bổ hợp phần phù hợp. Cơ chế thực hiện đảm bảo tính thống nhất, cần phân cấp cho địa phương để giảm chồng chéo; linh hoạt trọng cơ chế sử dụng vốn. Có cơ chế điều hành, tiêu chí phân bổ cụ thể, đảm bảo tính hợp lý của các Chương trình…

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa XIV

Ông Nguyễn Lâm Thành
Ông Nguyễn Lâm Thành

Cần đặt Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo bên cạnh Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cho phù hợp để ba Chương trình cài xen nhau hiệu quả, tập trung vào số hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung vào các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, các dự án nhỏ. 

Chú trọng bổ sung nguồn lực cho các xã ĐBKK thuộc Chương trình NTM; tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh vai trò của KHCN, giải quyết vấn đề vệ sinh, môi trường. Cần tính toán cơ cấu nguồn vốn phù hợp, thể hiện vai trò của vốn ngân sách, ưu tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn trước. 

Đặc biệt lưu ý an sinh xã hội; tập trung đào tạo nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, đưa ra các khung chính sách để các địa phương có cơ sở thực hiện theo chỉ tiêu phù hợp với điều kiện khả năng, nguồn lực cơ sở.