Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030

Hoàng Quý - 15:06, 25/06/2021

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã tổ chức cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 – 2030 (Gọi tắt là Chương trình MTQG). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước chủ trì buổi họp. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh cùng đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và thành viên trong Hội đồng thẩm định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước chủ trì buổi họp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước chủ trì buổi họp

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã báo cáo khái quát với Hội đồng thẩm định Nhà nước về Chương trình MTQG cũng như làm rõ sự cần thiết của Chương trình đối với sự phát triển KT - XH vùng DTTS và MN. Theo đó Chương trình gồm 10 dự án thành phần, được thực hiện ở địa bàn xã, thôn vùng đồng bào DTTS và MN, tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn; tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là hơn 147 nghìn tỷ đồng; chương trình do UBDT, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên địa bàn thực hiện.

Về kết quả thẩm định, theo báo cáo của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho biết, về cơ bản Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG đã được chuẩn bị công phu, được chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của bộ, ngành liên quan nhằm bảo đảm phù hợp và khả thi trong tổ chức thực hiện. Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi có đủ các đầu mục tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và tại khoản 1 Điều 44 Luật Đầu tư công.

Báo cáo nghiên cứu khả thi được UBDT xây dựng cho giai đoạn 1 của Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu, nguyên tắc cơ bản phù hợp với nội dung Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020; tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025  là 147.952.781 tỷ đồng, tăng 9.388.781 tỷ đồng so với mức vốn tối thiểu được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/Qh14, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại cuộc họp

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều thống nhất với nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi, nhất trí với sự cần thiết của Chương trình MTQG. Tuy nhiên, các thành viên trong Hội đồng đề nghị UBDT cần nghiên cứu lại khả năng huy động các nguồn vốn như dự kiến tại Báo cáo; nội dung, kinh phí thực hiện một số dự án thành phần cần được tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 cũng như tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai; phân định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đối với từng nội dung hoạt động của Chương trình…

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã giải trình cơ bản đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng, đại diện các cơ quan liên quan và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành. Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết UBDT sẽ tiếp thu ý kiến, đóng góp của các bộ, ngành và Hội đồng thẩm định để bổ sung hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG trong thời gian sớm nhất.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến của UBDT; công tác thẩm định tích cực với tinh thần trách nhiệm cao của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành; công tác phối hợp của các bộ, ngành. Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị UBDT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, rà soát lại các ý kiến đóng góp cũng như kết luận của Hội đồng để hoàn thiện hồ sơ; khẩn trương xây dựng hệ thống phối hợp giữa các đơn vị liên quan; cần xây dựng một khung chính sách, danh mục các dự án cần đầu tư có mục tiêu cụ thể để đảm bảo kinh phí dự toán…