Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Thực hiện chính sách đối với Người có uy tín ở Lai Châu: Tạo động lực cho sự cống hiến

PV - 22:13, 12/04/2019

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 1.072 Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, thông qua thực hiện tốt các chính sách cho Người có uy tín đã góp phần tạo điều kiện để họ phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở một tỉnh biên giới, có nhiều địa bàn ĐBKK như Lai Châu?

Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, miền núi chính là cầu nối để làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để nắm bắt tình hình Nhân dân tại địa phương, tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi Người có uy tín luôn đi đầu và vận động Nhân dân xóa đói giảm nghèo; áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế-xã hội; loại bỏ các hủ tục lạc hậu.

Người có uy tín Hoàng Láo Sì (thứ 2 từ phải sang) ở bản Căn Câu, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước tới Nhân dân. Người có uy tín Hoàng Láo Sì (thứ 2 từ phải sang) ở bản Căn Câu, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước tới Nhân dân.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương điển hình là Người có uy tín trên tất cả các lĩnh vực. Trong việc vận động phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thì có bác Sùng Thị Lầu, bản Làng Mô, xã Làng Mô (Sìn Hồ); trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới khu dân cư có bác Hù Cố Xuân, dân tộc Si La, bản Seo Hai, xã Can Hồ (Mường Tè). Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Người có uy tín đã phối hợp cùng lực lượng Công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế tình trạng di dân tự phát, tranh chấp đất đai, truyền đạo trái pháp luật.

Những năm qua, chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được tỉnh Lai Châu triển khai như thế nào, thưa ông?

Lai Châu luôn quan tâm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín một cách kịp thời trong những dịp lễ tết hay trong những trường hợp đột xuất. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức cho Người có uy tín bồi dưỡng kiến thức, đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác.

Trong năm 2018 đã tổ chức 03 hội nghị cung cấp thông tin cho 372 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; mở 13 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 550 học viên là Người có uy tín; tổ chức 03 chuyến thăm quan cho 78 Người có uy trong và ngoài tỉnh….

Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay đã khen thưởng đối với 30 Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.

Ông có thể chia sẻ một số kết quả cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án “Tăng cường vai trò của Người uy tín trong vùng đồng bào DTTS” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này?

Ngày 31/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS” tại Quyết định số 2561/QĐ-TTg. Sau khi Đề án được ban hành, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 21/4/2017 để thực hiện.

Riêng năm 2018, tổ chức thành công 01 hội nghị cho 100 đại biểu về dự tại trung tâm tỉnh để trao đổi kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, đã tổ chức 7 chuyến công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với Người có uy tín tại cơ sở và nắm bắt được tình hình hoạt động của Người có uy tín tại 7 huyện trên địa bàn.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí để thực hiện Đề án rất hạn hẹp nên khó khăn trong việc lựa chọn nội dung thực hiện, hạn chế số lượng Người có uy tín được tham gia. Hơn nữa, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Để triển khai Đề án một cách hiệu quả, góp phần phát huy vai trò Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, theo ông, những giải pháp nào sẽ mang tính đột phá?

Để triển khai Đề án một cách hiệu quả, góp phần phát huy vai trò Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS thì cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là lãnh đạo thực hiện đúng các quy định để bình chọn những Người có uy tín thật sự tiêu biểu từ cơ sở. Đồng thời cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín qua nhiều hình thức như, (hội nghị, tập huấn, gặp mặt trao đổi kinh nghiệm, thăm quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng).

Xin cảm ơn ông!

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Như Thanh (Thanh Hóa): Người có uy tín xứng đáng là “điểm tựa của bản làng”

Như Thanh (Thanh Hóa): Người có uy tín xứng đáng là “điểm tựa của bản làng”

Ở địa phương, đội ngũ Người có uy tín được xem là cầu nối quan trọng giữa chính quyền và Nhân dân, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, họ cũng tích cực tham gia vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo tồn văn hóa dân tộc...; Theo đó, những năm qua, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) luôn chú trọng triển khai đầy đủ các chính sách chăm lo, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS.