Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Chương trình MTQG 1719: Tạo cơ chế lồng ghép phù hợp để sử dụng hiệu quả nguồn lực (Bài 4)

Thúy Hồng - Thanh Hải - 12:10, 21/06/2023

Trong giai đoạn 2021 - 2025, vùng DTTS và miền núi triển khai đồng loạt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), bên cạnh những hiệu quả tích cực, thì trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình vẫn còn bộc lộ không ít bất cập. Để tăng hiệu quả của các Chương trình, việc lồng ghép các nguồn lực là rất quan trọng. Do đó, cần có cơ chế lồng ghép hiệu quả là vấn đề cấp thiết đang đặt ra tại thực tế cơ sở...

Những thôn bản khó khăn ở Quảng Bình sẽ được đầu tư hiệu quả từ nguồn vốn lồng ghép thực hiện chương trình MTQG
Những thôn bản khó khăn ở Quảng Bình sẽ được đầu tư hiệu quả từ nguồn vốn lồng ghép thực hiện Chương trình MTQG

Tăng cường lồng ghép vốn

Nghệ An là một trong những địa bàn có nhiều huyện nghèo. Do đối tượng thụ hưởng Chương trình MTQG 1719 đa phần là vùng khó khăn, nên việc bố trí nguồn vốn đối ứng 10% theo quy định không thể thực hiện được. Để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương, cũng là giải pháp mang tính kích cầu, tỉnh Nghệ An đã cân đối ngân sách để bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho cả ba cấp.

Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải đã thông tin, Trung ương giao dự kiến hơn 4.931 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó Nghệ An đã phải bố trí nguồn vốn đối ứng 493 tỷ đồng và tỉnh đã cân đối đủ nguồn vốn này cho cả 3 cấp. Việc bố trí chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án.

Trong kế hoạch thực hiện năm 2023, để có đủ nguồn vốn triển khai, tỉnh Nghệ An đã đề ra giải pháp là huy động, lồng ghép các nguồn lực trong việc thực hiện Chương trình, đặc biệt là nguồn xã hội hóa. Với đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, yếu và thiếu nhiều thứ, Nghệ An đã đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí cho tỉnh các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế ADB... vốn viện trợ không hoàn lại để có thêm nguồn lực thực hiện.

Yêu cầu về nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 rất lớn, là yếu tố quyết định nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, đặc biệt sẽ tác động thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Tỉnh Nghệ An sẽ bố trí đủ nguồn vốn đối ứng 3 cấp cho các đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả chương trình MTQG
Tỉnh Nghệ An sẽ bố trí đủ nguồn vốn đối ứng 3 cấp cho các đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG

Trên tinh thần này, các tỉnh, thành khác trên cả nước cũng đã có những giải pháp, biện pháp để gia tăng nguồn lực cho Chương trình MTQG 1719. Ngay như ở Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện các Chương trình để có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho rằng: Tỉnh ưu tiên lồng ghép nguồn vốn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và các địa bàn dự kiến hoàn thành mục tiêu của Chương trình MTQG, ưu tiên thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có tính lan tỏa, phát huy lợi thế của từng địa phương.

Hay như tỉnh Quảng Nam, từ cuối năm 2022, HĐND tỉnh này đã có hẳn nghị quyết quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn vốn trong thực hiện Chương trình MTQG. Theo đó, cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn được thực hiện từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Các nguồn vốn huy động để thực hiện lồng ghép theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, công khai, minh bạch, bằng nhiều hình thức.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc lồng ghép vốn không chỉ thực hiện giữa các Chương trình MTQG, mà còn được thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác để huy động tối đa nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc từng Chương trình MTQG.

Tạo cơ chế lồng ghép phù hợp

Theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các Chương trình MTQG căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Theo đó, UBND cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chủ động xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG, phù hợp với thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương; trình HĐND cấp tỉnh ban hành quyết định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG và từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện các Chương trình MTQG.

Tuy nhiên, một số địa phương phản ánh, việc lồng ghép nguồn vốn không phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương do không xác định được nội dung, phương pháp lồng ghép. Theo thống kê, trong năm 2022, 34/63 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG.

Tuy nhiên, việc thực hiện  Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG đang gặp khó khăn đối với cả 4 cơ chế: Lồng ghép, phân cấp, phân quyền, hỗ trợ đất sản xuất, cơ chế đặc thù cho các công trình có quy mô nhỏ và không phức tạp. 

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, cơ chế lồng ghép nguồn vốn là cần thiết nhưng phải làm sao đạt được mục tiêu không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn; bảo đảm hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án khi thực hiện lồng ghép. Quá trình thực hiện được chỉ đạo, lãnh đạo, giám sát, kiểm tra để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.

Việc lồng ghép nhiều nguồn vốn đang tạo ra nguồn lực lớn để Quảng Trị thực hiện thành công chương trình MTQG 1719
Việc lồng ghép nhiều nguồn vốn đang tạo ra nguồn lực lớn để Quảng Trị thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, có nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi  Nghị định 27/2022/NĐ-CP về lồng ghép vốn, trong đó quy định cụ thể cơ chế nào cần Chính phủ xử lý, thậm chí có những vấn đề được giải quyết ở cấp cao hơn. Cơ chế này giao cho địa phương thực hiện, còn Trung ương chỉ quy định về nguyên tắc là không hợp lý. Bởi có những vấn đề ở Trung ương chưa được xác định rõ ràng, địa phương chắc chắn không thể thực hiện. 

Từ những bất cập của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 27. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong quá trình sửa đổi Nghị định 27, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi và sẽ hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế lồng ghép vốn.

Nhìn nhận từ thực tế triển khai, việc lồng ghép nguồn vốn đã khó, nhưng sử dụng nguồn vốn sau lồng ghép để tăng hiệu quả cao nhất trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 lại càng khó hơn. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất.

Mặt khác, các địa phương phải đặt lợi ích của Nhân dân, trách nhiệm vì dân lên hàng đầu, để triển khai thực hiện hiệu quả các Dự án, Tiểu dự án từ nguồn vốn lồng ghép một cách khoa học, bài bản, tiết kiệm, tránh dàn trải gắn với thanh kiểm tra, giám sát nghiêm túc và chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.