Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thực hiện Đề án 79 trên địa bàn huyện Mường Nhé: Đem lại niềm vui cho những bản làng

MINH THU - 09:22, 01/10/2019

Ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Đề án 79). Sau 7 năm triển khai thực hiện Đề án 79, huyện Mường Nhé đã hoàn thành các điểm quy hoạch, ổn định dân cư. Các hộ dân chuyển về nơi ở mới đã dựng được nhà ở, được hỗ trợ sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia để ổn định cuộc sống.

Anh Vàng A Vảng (bên phải) và con trai đang dựng nhà mới.
Anh Vàng A Vảng (bên phải) và con trai đang dựng nhà mới.

Con đường đất độc đạo, hiểm trở vào bản Huổi Khon, xã Nậm Kè trước đây đã được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi với cây cầu bê tông kiên cố. Chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Vàng A Vảng ở cuối bản Huổi Khon. Bên căn nhà còn ngổn ngang, bề bộn với những tấm ván gỗ đã xẻ thành tấm nhỏ, anh Vảng chia sẻ: “Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm nhiều đến dân bản Huổi Khon. Năm 2015, gia đình mình và hộ Vàng A Lử được hỗ trợ một con bò. Sau hai năm chăm sóc, bán đi được 18 triệu đồng để mua hai con nghé con. Đầu năm 2018, hai con nghé lớn, mình bán đi được gần 30 triệu đồng. Với số tiền dành dụm từ mấy năm trước, mình quyết định xây nhà mới để cưới vợ cho con trai”.

Anh Vảng là một trong số 52 hộ dân ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè đã được huyện Mường Nhé hỗ trợ theo Đề án 79. Trưởng bản Huổi Khon, ông Sùng A Kỷ cho biết: “Mấy năm nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Điện Biên, đời sống của đồng bào Huổi Khon có nhiều bước chuyển tích cực. Năm 2018, đã có 30 hộ dân trong bản được hỗ trợ cây sa nhân, năm 2019 có thêm 9 hộ (mỗi hộ 300 cây, tổng giá trị khoảng 12 triệu đồng từ nguồn của Đề án 79), nếu chịu khó chăm sóc, sau ba năm có thể thu hoạch được. Mấy năm nay, thương lái từ Điện Biên vào tìm mua cây sa nhân làm dược liệu cũng nhiều nên có thể yên tâm về đầu ra.
“Nhờ Đề án 79, đa số các hộ dân Huổi Khon đã có nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Toàn bản có trên 13ha lúa nương, gần 8ha lúa nước, 10ha cây chít, 20 con bò, 17 con trâu, lương thực bình quân đầu người đạt gần 500kg/năm”, ông Sùng A Kỷ cho biết thêm.
Trung tuần tháng 9/2019, gia đình anh Vàng Nhè Chứ, ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn vừa thu hoạch xong vụ sả cuối cùng trong năm. Với 1ha sả, sau hơn 1 năm chăm sóc, trừ chi phí, anh Chứ thu được ngót 25 triệu đồng. “Có được nguồn thu nhập ổn định trên là do gia đình được lãnh đạo xã, thôn định hướng, hỗ trợ vốn, giống và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước rất nhiều”, anh Chứ khẳng định.
Hiện xã Leng Su Sìn đã có 70 hộ dân trồng sả trên diện tích 60ha. Mỗi ha có thể cho thu nhập 25 triệu đồng. UBND xã Leng Su Sìn đang nghiên cứu để trồng thử 1ha cây mắc ca và sa nhân, vận động bà con trồng mới trên 100ha rừng. “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm trên 3%, năm 2019 dự kiến giảm thêm 2%”, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn, ông Sừng Sừng Khai cho biết.
Đánh giá về Đề án 79, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé khẳng định: Đề án 79 đã và đang đi vào cuộc sống. Dù còn một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng huyện xác định từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để ổn định dân cư. Tiếp tục các chính sách hỗ trợ sản xuất, rà soát các phương án phát triển sát xuất ổn định, lâu dài. Hoàn tất các thủ tục về việc giao chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn và sắp xếp dân cư theo Đề án 79.


MINH THU