Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Áp dụng chuẩn nghèo mới: Hộ nghèo đang tăng cao ở các xã vùng cao (Bài 1)

Trọng Bảo - 16:38, 09/09/2022

Tập trung giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân đã và đang là nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương tỉnh Lào Cai. Hiện nay, việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều trong giai đoạn mới, với mức thu nhập theo chuẩn mới tăng gấp đôi so với chuẩn cũ, sẽ là thách thức đối với rất nhiều xã trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

Gia đình anh Thào tái nghèo sau gần một năm được công nhận…thoát nghèo
Gia đình anh Thào tái nghèo sau gần một năm được công nhận…thoát nghèo

Vừa thoát nghèo lại trở về…hộ nghèo

Hộ gia đình anh Ma Seo Thào, dân tộc Mông ở thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát thoát nghèo năm 2021. Tuy nhiên chưa đầy một năm sau, theo qui định về chuẩn nghèo mới, gia đình anh Thào lại trở về hộ nghèo, dù mức thu nhập của gia đình vẫn giữ nguyên.

Anh Thào cho biết: Gia đình anh có 05 khẩu, theo điều tra năm 2021,gia đình anh có bình quân thu nhập 800 nghìn đồng/người/tháng. Mới đây, cán bộ về điều tra, thu nhập gia đình vẫn duy trì, nhưng theo thông tin của cán bộ, áp dụng theo chuẩn nghèo mới, mỗi khẩu phải đạt tối thiểu 1,5 triệu đồng/người/tháng thì mới thoát nghèo. 

"Với mức thu nhập này, gia đình mình lại trở về là hộ nghèo của xã. Chưa kể, trước đây, gia đình thuê đất trồng chuối, nhưng hiện nay không bán được nữa nên thu nhập cũng đang có chiều hướng giảm, gia đình cũng chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa thôi”, anh Thào cho biết.

Tương tự, nhìn ngôi nhà cấp 4 khang trang, đồ đạc được bày trí ngăn lắp ít ai có thể nghĩ gia đình anh Phàn Páo Giàng, dân tộc Dao ở thôn Tân Tiến lại thuộc hộ nghèo của xã. Được biết, nhờ chăm chỉ làm ăn với mô hình chăn nuôi trâu, đào ao thả cá cộng với trồng ngô lúa mà năm 2020, gia đình anh Giàng đã được công nhận thoát nghèo. Tuy nhiên, năm 2022, qua điều tra thì gia đình anh Giàng vẫn thuộc danh sách hộ nghèo, bởi thu nhập bình quân  hiện tại chỉ mới đạt 1,3 triệu đồng/người/khẩu.

Thống kê cho thấy, thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường có 70 hộ, thì có 31 hộ nghèo, tăng 24 hộ so với tiêu chí cũ. Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch phụ trách xã Trịnh Tường cho biết: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng đến công tác xóa đói, giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Nhờ đó, hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 9%. Tuy nhiên, khi áp dùng chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã tăng vọt lên 49,9%. Điều này đã ảnh hưởng đến hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch của xã.

“Xã chúng tôi là xã thuần nông, bà con chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng cũng chỉ đủ ăn; trước đây thì có cây chuối cho thu nhập tốt, nhưng giờ không xuất bán được nên việc cải thiện thu nhập cho bà con gặp nhiều khó khăn”, ông Hưng thông tin thêm.

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Bát Xát, hết năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện đạt gần 8%; sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì con số này của huyện tăng lên hơn 45%.

Người dân vùng cao Lào Cai lao động sản xuất
Sản xuất nông nghiệp là nghề chính của người dân vùng cao Lào Cai

Thách thức mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Câu chuyện tỷ lệ hộ nghèo tăng vọt, sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới, không chỉ riêng đối với huyện Bát Xát mà hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều gặp phải. Qua rà soát, hết năm 2021, tỉnh Lào Cai còn hơn 5% hộ nghèo; tuy vậy, theo tiêu chí mới thì tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tăng lên trên 25%. Trong đó, hơn 50 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; 16 xã tỷ lệ hộ nghèo gần 50%...

Tiêu chí tăng khiến cho tỷ lệ hộ nghèo ở hầu hết các địa phương đều tăng, nhưng việc tìm giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân, là thách thức mới đối với các cấp chính quyền địa phương, trong có có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch phụ trách xã Trịnh Tường, để nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó có việc mở rộng diện tích trồng cây quế. Nhưng đó là về lâu dài, còn trước mắt thì việc xóa đói giảm nghèo của xã chắc chắn sẽ gặp khó do tiêu chí thu nhập có sự thay đổi.

“Trồng cây quế thì ít nhất cũng phải mất 3-4 năm, người dân mới bắt đầu có thu nhập từ việc tỉa cành bán lá. Do vậy, trước mắt bà con vẫn phải phụ thuộc nhiều vào trồng ngô, lúa; nhưng diện tích đất canh tác có hạn, bà con trồng cũng chỉ tự cũng tự cấp là chính chứ chưa mang tính hàng hóa… Đây là bài toán khó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền xã và người dân cần nỗ lực để giải quyết”, ông Hưng phân tích.

Với mô hình chăn nuôi trâu, đào ao thả cá và trồng ngô lúa gia đình anh Giàng có thu nhập 1,3 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn là hộ nghèo
Với mô hình chăn nuôi trâu, đào ao thả cá và trồng ngô lúa gia đình anh Giàng có thu nhập 1,3 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn là hộ nghèo

Còn theo ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương,  sau hơn 02 năm xảy ra đại dịch Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn huyện. Theo điều tra mới nhất, toàn huyện hiện có 47% hộ nghèo và hộ cận nghèo là 21%. Đây là con số rất cao, gần như trở về giai đoạn đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

“Mường Khương là thủ phủ về cây chuối và cây dứa của tỉnh Lào Cai. Khi mà sản phẩm chuối hiện nay không xuất bán được, địa phương đã tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó có cây chè. Đây là cây đã và đang cho thu nhập tốt và được người dân ủng hộ tham gia, tuy nhiên, đây cũng là cây trồng dài ngày, đòi hỏi phải có thời gian, nên trước mắt việc nâng cao thu nhập cho người dân cũng là bài toán khó, bởi bao năm qua, địa phương cũng đã nỗ lực, linh hoạt các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, trong đó chú là đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ hộ nghèo sớm thoát nghèo”, ông Hưng chia sẻ.

Việc áp dụng chuẩn nghèo mới giúp cho các địa phương có đánh giá đúng nhất, chính xác nhất về đời sống của người dân; nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng ĐBKK… 

Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo tăng cao, là thách thức lớn đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi, theo đó, các địa phương khó thực hiện được các chỉ tiêu, kế hoạch năm, trong đó có mục tiêu xây dựng Nông thôn mới...

Bắt đầu từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2025, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới với các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, trong đó có tiêu chí thu nhập. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn mức thu nhập tối thiểu đạt từ 1,5 triệu đồng/người/tháng; đối với khu vực thành thị còn số này là 2 triệu đồng.