Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thương binh và những câu chuyện thời bình

PV - 14:36, 18/07/2018

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, nhiều người lính trở về đời thường với thân thể không còn vẹn nguyên. Thế nhưng ở họ vẫn luôn tràn đầy năng lượng sống để cống hiến cho xã hội ở các lĩnh vực khác nhau. Nhân dịp Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, Báo Dân tộc và Phát triển trân trọng gửi đến bạn đọc những tấm gương bình dị mà kiên cường như thế.

Bài 1: Doanh nghiệp của những người đồng đội

Trở về cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể nằm lại chiến trường, cuộc sống rất khó khăn. Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, vợ chồng người cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc (SN 1953) và Trần Thị Tám (SN 1955), ở khu vực 3, phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã chống chọi với bệnh tật, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống tạo công ăn việc làm cho nhiều cựu chiến binh từng là đồng chí, đồng đội của mình.

Ông Lữ Hoàng Đốc sinh năm 1953, trong một gia đình nghèo ở xã Hoài Thanh huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Năm 1969, khi ấy mới 16 tuổi, ông gia nhập hàng ngũ lực lượng an ninh vũ trang địa phương, có mặt ở khắp các địa phương trên chiến trường các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định.

Cuối năm 1974, trong lúc đang cùng đồng đội chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì ông bị thương phải cưa chân. “Lúc ấy, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân phải của tôi. Nhưng rồi, sau đó vết thương lại nhiễm trùng, các bác sĩ lại cắt bỏ thêm một đoạn. Rồi đến lần thứ 3, sau khi cắt bỏ, tôi chỉ còn giữ lại được 1/3 chân phải”, ông Đốc nhớ lại.

thương binh Xưởng lắp ráp xe đạp của Công ty TNHH-TMDV 27/7.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người cựu binh Đốc được điều động về làm việc tại Công an thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Làm việc tại đây được 3 tháng, ông được đưa đi điều dưỡng tại TP. Quy Nhơn. Đến năm 1976, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mở trường dạy nghề cho thương binh tại Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), ông Đốc được đưa đi học nghề vô tuyến điện. Tại đây, ông gặp bà Trần Thị Tám là vợ ông bây giờ.

Bà Tám quê ở Quảng Nam, cũng tham gia cách mạng năm 1969, khi ấy mới 14 tuổi. Bà Tám kể: “Trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972, tại chiến trường huyện Quế Tiên (huyện Hiệp Đức bây giờ), tôi bị dính bom B52, chấn thương đầu. Sau giải phóng, tôi được đưa đi học nghề điện cơ ở Thủ Đức. Tại đây, tôi và anh Đốc gặp nhau. Đến năm 1979, chúng tôi ra trường và cưới nhau. Lúc mới cưới, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm hai vợ chồng đều thương tật, mỗi lúc trái gió trở trời là vết thương cũ của hai vợ chồng lại đau buốt, nhiều đêm ngủ không được. Nhưng rồi nhờ chịu thương chịu khó làm ăn, vợ chồng tôi cũng vượt qua được khó khăn, kinh tế bắt đầu khá dần lên”.

Năm 2010, khi đã có điều kiện, vợ chồng ông Đốc liền nghĩ đến những anh em đồng đội cũng đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường, nhưng giờ cuộc sống khó khăn vì không có việc làm. Nghĩ vậy, vợ chồng ông thuê đất công ích của Nhà nước tại phường Nhơn Phú để thành lập Công ty TNHH-TMDV 27/7 chuyên lắp ráp, kinh doanh, buôn bán xe đạp trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận.

Thương binh Lữ Hoàng Đốc giới thiệu các loại xe đạp do những người thương binh lắp ráp. Thương binh Lữ Hoàng Đốc giới thiệu các loại xe đạp do những người thương binh lắp ráp.

“Sau khi thành lập, tôi quy tụ được gần 50 cựu chiến binh từng là đồng chí, đồng đội của vợ chồng tôi vào làm việc để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh em nào còn đủ 2 tay thì làm công việc lắp nan hoa xe đạp, vào trục, cân vành. Những người còn 1 tay thì vặn ốc. Ai mất cả 2 tay, 1 chân thì đảm nhận công việc giao dịch, tìm đầu ra cho sản phẩm của công ty. Tùy vào thương tật của mỗi người, chúng tôi bố trí công việc phù hợp để đạt năng suất cao nhất. Mức lương cũng theo sức khỏe từng người, bình quân từ 2-4,5 triệu đồng”, ông Đốc cho biết.

Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH-TMDV 27/7 như một mái nhà chung của những thương binh, đồng đội một thời vào sinh ra tử. Nơi đây, không chỉ để họ cùng nhau lao động để có thêm thu nhập mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và động viên nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Hiện, Công ty có khoảng 20 công nhân đều là anh em thương binh; con em thương binh, bệnh binh, người tham gia quân đội bị chất độc hóa học thường xuyên làm việc. Suốt mấy năm nay, họ đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho nhau như những người thân trong gia đình dưới mái nhà chung này.

Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của Công ty là khu sản xuất quá chật hẹp, không có chỗ cho các thương binh làm việc. Từ năm 2012, Công ty đã làm thủ tục xin thuê 3.000m2 đất công ích của phường Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn) để mở rộng phân xưởng tạo điều kiện việc làm thêm cho các thương binh, con em thương binh, gia đình chính sách. “Thủ tục xin đất của chúng tôi đã được cấp phường, cấp thành phố thông qua, nhưng lên đến tỉnh thì bị ách đến nay chưa giải quyết mà không hiểu vì lý do gì”, ông Lữ Hoàng Đốc chia sẻ.

Thương binh Nguyễn Văn Chín, quê ở Đà Nẵng là lính tình nguyện Campuchia thương tật 65% chia sẻ: Năm 2012, nghe tin anh em thương binh trong Bình Định thành lập Công ty 27/7, tôi bàn với vợ thế chấp ngôi nhà ở Đà Nẵng, lấy vốn vào hùn với anh em làm ăn. Thế nhưng, chúng tôi xin thuê đất mãi mà không được, khiến đời sống anh em gặp nhiều khó khăn.

Với tính chất đặc thù của một doanh nghiệp thương binh, mong rằng UBND tỉnh Bình Định nên sớm xem xét, tạo điều kiện để họ có thể thuê đất mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho những người đã hy sinh một phần thân thể mình cho đất nước.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.