Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thủy điện, thủy lợi và những điều bất lợi

PV - 11:50, 01/09/2018

Chỉ vài chục cây số đầu nguồn sông Kôn, đoạn chảy qua tỉnh Bình Định, những cơ quan chức năng đã cho phép triển khai đến 14 nhà máy thủy điện, có tổng công suất lắp máy 312,1MW. Trái ngược với số lượng nhà máy thủy điện xuất hiện ở đây, là đời sống kinh tế-xã hội của người dân ngày càng khó khăn do phải di dời, hoặc nhường đất để xây dựng các công trình thủy điện, bên cạnh đó, họ còn thường trực nỗi lo thiên tai mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Bài 3: Có một nỗi ám ảnh mang tên “xả lũ đồng loạt”

Hồ chứa nước, kết hợp thủy điện Định Bình trên sông Kôn. Hồ chứa nước, kết hợp thủy điện Định Bình trên sông Kôn.

Một khúc sông “cõng” 14 nhà máy thủy điện

Đi dọc sông Kôn khu vực miền núi tỉnh Bình Định, chúng tôi chứng kiến nhiều nhà máy thủy điện ồ ạt mọc lên. Khởi đầu là Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) có công suất 66MW vận hành vào đầu tháng 12/2004. Tiếp đến là Nhà máy Thủy điện Định Bình có công suất 9,9MW nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh). Năm 2015, trên sông Kôn tiếp tục có 4 thủy điện vận hành phát điện, gồm Trà Xom (20MW), Vĩnh Sơn 5 (28MW), Tiên Thuận (9,5MW) và Văn Phong (6 MW). Hiện tại, một số dự án thủy điện trong quy hoạch đang và chuẩn bị được triển khai thi công là: Vĩnh Sơn 2, Ken Lút Hạ, Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 4...

Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: Chúng tôi không phủ nhận những mặt tích cực mà các công trình thủy điện mang lại. Tuy nhiên, việc một khúc sông ngắn mà phải gánh đến hàng chục thủy điện (tại huyện Vĩnh Thạnh là 11 nhà máy thủy điện-pv) thì không ổn. Mặt trái của thủy điện khiến chính quyền địa phương luôn phải “đứng giữa” áp lực về các chủ trương xây dựng thủy điện và những đòi hỏi bức thiết đời sống của người dân.

Một vấn đề nóng khác hiện nay là, tình trạng các đối tượng lâm tặc, lợi dụng tuyến đường được mở từ các công trình thủy điện để phá rừng, khiến cho việc quản lý bảo vệ rừng hết sức khó khăn.

Cũng theo ông Đẩu, trước đây, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã từng đề nghị đình chỉ thi công đối với công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom do vi phạm môi trường trong quá trình thi công, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện tái định canh, định cư cho người dân.

Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh cũng đề nghị đình chỉ thi công đối với Thủy điện Định Bình mở rộng vì chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục xây dựng theo quy định. Thế nhưng, các nhà máy thủy điện vẫn tiếp tục xây dựng. Hiện nay, địa phương đang đề xuất bỏ một số nhà máy thủy điện có công suất nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến nhiều diện tích rừng và đất sản xuất của người dân là Vĩnh Sơn 2, Nước Trinh 1, Nước Trinh 2 và Đăk Ple.

Bóng tối  sau ánh sáng điện

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bình Định, các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, tạo ra một bộ mặt mới ở vùng nông thôn miền núi; hạ tầng kinh tế, văn hóa-xã hội trên địa bàn các xã có dự án thủy điện được cải thiện.

Tuy nhiên trên thực tế, bao nhiêu tiền của đã đổ vào xây thủy điện với số lượng kỷ lục, thế nhưng Vĩnh Thạnh (Bình Định) vẫn là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bao nhiêu viễn cảnh “tốt hơn, đẹp hơn” đều chưa thấy đâu, chỉ thấy môi trường sinh thái, điều kiện làm ăn của đồng bào các dân tộc miền núi Vĩnh Thạnh cứ thế “lùng bùng” trong hàng loạt bức xúc, kiến nghị, yêu cầu…

Mương dẫn nước của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 “cắt” đường vào rẫy của người dân. Mương dẫn nước của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 “cắt” đường vào rẫy của người dân.

Đơn cử như Làng Đăk Tral thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), địa phương nằm ngay “cổ họng” của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5, là nơi người dân bức xúc về thủy điện nhiều nhất. Bởi con kênh dẫn dòng của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 đã “cắt” mất đường vào rẫy của người dân. Theo ông Đinh Văn Vinh, Trưởng thôn Đăk Tral, thu nhập chính của người dân là trồng rừng nhưng mấy năm nay bị “bít” đường nên không thể khai thác keo, đời sống người dân khổ lắm. “Dân làng kiến nghị Công ty xây cầu nhưng nhiều năm chẳng thấy đâu. Tưởng có thủy điện dân sẽ giàu, không ngờ lại khổ thêm”, ông Vinh than thở.

Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho hay: Đời sống của người dân rất khó khăn do bị “bít” đường vào rẫy, làng Đăk Tral không còn đất khác để sản xuất. “Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 là đơn vị trực tiếp gây ảnh hưởng, nhưng từ trước đến nay không hỗ trợ được nhiều cho người dân. Có chăng cũng chỉ là phần quà, hộp bánh mỗi dịp lễ Tết. Chúng tôi mong Nhà máy hỗ trợ xây cầu kiên cố qua để người dân có đường vận chuyển keo, phát triển kinh tế”.

Nỗi lo lũ chồng lũ

Việc quy hoạch và xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện trên dòng sông Kôn không chỉ gây bức xúc cho người dân đầu nguồn mà còn khiến cho hàng vạn người dân ở hạ du sông Kôn thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ đến.

Điển hình như cuối năm 2013, một trận mưa lũ kinh hoàng đã tràn thẳng vào Nhà máy Thủy điện An Khê-Kanak tại địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Thảm họa bất ngờ xảy ra sau một ngày mưa lớn dầm dề, nước lũ từ các dãy núi đổ dồn tới tấp về khu vực Nhà máy. Nước lũ đã xé toang suối Đá, phá tung bờ đất ngăn cách giữa suối và kênh xả nhà máy. Hệ thống hãm lực nước được đúc bằng bê tông cũng bị lũ phá vỡ trên 40m. Toàn bộ đất cát, sỏi đá theo lũ đổ tràn về Nhà máy và Trạm phân phối điện. Hàng loạt công trình phụ trợ quanh Nhà máy cũng bị bùn cát phong tỏa, có nơi đất vùi cao tới 2-3m. Người dân phải một phen náo loạn, trở tay không kịp trước trận lũ “nhân tạo” kinh thiên chưa từng thấy.

Những năm gần đây, năm nào người dân huyện Tuy Phước cũng phải gánh chịu vài ba trận lụt lớn do các nhà máy thủy điện xả lũ. Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch xã Phước Lộc (Tuy Phước) chia sẻ: “Vào mùa mưa, mỗi khi nghe thủy điện xả lũ là cả xã lo sợ không ngủ được, nhưng có khi vẫn trở tay không kịp, thiệt hại cho người dân là không thể kể xiết. Nỗi ám ảnh về nguy cơ các thủy điện xả lũ đồng loạt, dẫn đến họa “lũ chồng lũ” luôn thường trực trong lòng người dân vùng hạ du.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.