Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng chiêng Mường trên cao nguyên Đăk Lăk

PV - 15:02, 13/04/2018

Xa quê, lập nghiệp trên vùng đất mới hơn nửa thế kỷ, nhưng cộng đồng người Mường ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) vẫn lưu giữ nhiều bản sắc phong tục, tập quán, lễ nghi truyền thống của tổ tiên. Nổi bật là các thế hệ phụ nữ Mường nỗ lực bảo tồn để tiếng chiêng Mường mãi ngân vang.

Đồng bào dân tộc Mường ở xã Hòa Thắng sống tập trung ở ba thôn 1,2,3 với hơn 1.000 hộ, chủ yếu từ tỉnh Hòa Bình di cư từ những năm 50 của thế kỷ trước. Dù xa quê, nhưng người Mường luôn ý thức việc giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, như việc xây dựng nhà cộng đồng để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đan lát…

Bà Nguyễn Thị Hòa (ngoài cùng bên trái) cùng Đội chiêng thôn 1, xã Hòa Thắng. Bà Nguyễn Thị Hòa (ngoài cùng bên trái) cùng Đội chiêng thôn 1, xã Hòa Thắng.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Đội trưởng đội chiêng thôn 3 cho biết: Khi mới vào đây, người Mường không có chiêng để đánh mà phải đi mượn trong các buôn làng đồng bào dân tộc tại chỗ. Chiêng Mường có núm nên mỗi lần mượn cũng mất nhiều thời gian và phải có nghệ nhân thẩm âm, tiếng chiêng phù hợp với chiêng Mường thì mới mượn. 5 năm trước, sau khi các nghệ nhân biết đánh chiêng thành lập đội, xã đầu tư mua cho một bộ để bà con thôn 1 và thôn 3 dùng chung.

Bộ chiêng của người Mường có 12 chiếc, gồm 4 chiếc chiêng sầm, 1 chiêng giàn to nhất thường có âm thanh khác hẳn; còn chiêng đôi, chiêng bè và chiêng hỏi-đáp âm phát ra giống nhau. Nếu như chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu là nam giới đánh, thì chiêng Mường lại chủ yếu là nữ. Bởi vậy, chị em dân tộc Mường ở Hòa Thắng luôn ý thức phải gìn giữ, để tiếng chiêng Mường ngân vang trên quê hương mới. Theo đó, mỗi dịp lễ hội, ngày nghỉ cuối tuần chị em lại cùng nhau sinh hoạt văn nghệ, truyền cho nhau các bài chiêng, cách dệt thổ cẩm.

Trước đây, chỉ có vài nghệ nhân biết đánh chiêng, nay nhiều chị em đã học thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống. Hiện nay, xã Hòa Thắng có 2 đội chiêng Mường hơn 30 phụ nữ tham gia. Điều phấn khởi nhất là, trong các đội chiêng có nhiều thế hệ tham gia. Em Lê Ngọc Phương Trinh, Đội chiêng thôn 3 chia sẻ: Trước đây, bà ngoại em tham gia cùng đội chiêng của làng. Nay, bà đã già, mẹ em thay bà góp mặt trong đội chiêng đón khách. Em được bà và mẹ truyền dạy nhiều kỹ năng nên cũng được tham gia diễn tấu chiêng cùng mẹ và các bậc cao niên trong làng.

Nguyễn Thị Hòa, Đội trưởng đội chiêng thôn 1 cho biết: Những năm gần đây, đời sống kinh tế của cộng đồng người Mường ở đây ổn định. Bà con có thời gian chăm lo hơn về hoạt động văn hóa, tinh thần nên dù bận rộn với công việc gia đình, nhưng hầu như phụ nữ Mường ít khi bỏ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Đội chiêng Mường thôn 1 hiện có 20 người, người lớn tuổi nhất 63 tuổi, nhỏ nhất 14 tuổi. Em Tố Như, thành viên nhỏ tuổi nhất Đội chiêng Mường thôn 1 chia sẻ: “Từ nhỏ em đã được bà và mẹ truyền nhiệt huyết đam mê cồng chiêng, em mong rằng, thế hệ trẻ như em sẽ còn nhiều người theo học và biết đánh chiêng để phát huy giá trị truyền thống của dân tộc trên quê hương Đăk Lăk”.

Không chỉ sinh hoạt tại địa phương, hai đội chiêng Mường ở Hòa Thắng còn tham gia giao lưu, diễn tấu cồng chiêng trong các chương trình nghệ thuật quần chúng cùng các buôn làng khác trên địa bàn tỉnh. Trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc TP.-- Buôn Ma Thuột tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, 2 đội chiêng Mường đều tham gia và đạt thành tích cao.

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng người Mường phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, tổ chức lớp dạy chiêng Mường làm đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ các DTTS ở địa phương.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.