Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng đàn h’jưl của nghệ nhân Alăng Thị Nhá

PV - 14:31, 25/07/2018

Ở thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam có một phụ nữ người Cơ-tu tên là Alăng Thị Nhá (64 tuổi) chơi đàn h’jưl rất hay. Bà cũng có giọng hát dân ca mượt mà, sâu lắng.

 Hai vợ chồng bà Alăng Thị Nhá đang “hoà tấu” đàn bró và h’jưl. Hai vợ chồng bà Alăng Thị Nhá đang “hoà tấu” đàn bró và h’jưl.

Bà Alăng Thị Nhá vừa khảy đàn, vừa giới thiệu, đây là một loại nhạc cụ của đồng bào Cơ-tu ở Trường Sơn, gần biên giới Việt-Lào. Về hình thức nó giống cây đàn “măng đô lin”, nhưng nhỏ hơn. Đàn h’jưl có nhiều loại: 2 dây, 4 dây, 6 dây, 8 dây. Người chơi đàn vừa dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải khảy dây đàn, bàn tay trái nắm cần đàn bấm các nốt, luyến láy âm thanh để tiếng đàn phát ra, mang âm hưởng của núi rừng.

Bà Alăng Thị Nhá cho biết, từ khi còn là thiếu nữ, bà được người yêu là Đinh Văn Bớt tự tay chế tác cây đàn h’hưl xinh đẹp và dạy cho bà cách đàn, sau đó tặng cho bà làm kỷ niệm. Thời ấy, anh Bớt là dân quân du kích, còn bà là thanh niên xung phong gùi lương thực, đạn dược cho bộ đội ta trên dãy Trường Sơn điệp trùng. Mỗi lần nhớ người yêu, bà lại mang đàn ra khảy để truyền thêm sự dẻo dai cho đôi chân, thêm vững cho cái lưng mang gùi nặng trĩu. Tiếng đàn còn giúp bà và chị em thanh niên xung phong tự tin, phấn chấn về một ngày mai quê hương, đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ngày đất nước thống nhất, cây đàn của người yêu tặng cho bà Nhá ngày nào cũng bị hỏng do nó đã đi theo bà lên đèo, lội suối, băng qua bao mưa bom, bão đạn của chiến tranh. Ông Bớt lại miệt mài trau chuốt từng phiến gỗ để hoàn thành một cây đàn h’jưl đẹp tặng cho bà Alăng Thị Nhá sử dụng. Và hai người đã nên duyên vợ chồng từ ngày đó.

Hiện nay, tuy hai vợ chồng ông Bớt, bà Nhá đều đã bước sang tuổi ngoài 70 nhưng họ vẫn mê đàn hát lắm. Bà Nhá còn tranh thủ mọi thời gian để tập cho con cháu mình biết chơi đàn h’jưl nhằm lưu giữ tiếng đàn của quê hương, dân tộc mình.

Bà Nhá đang khảy đàn h’jưl từ rẫy về nhà. Bà Nhá đang khảy đàn h’jưl từ rẫy về nhà.

Nói về các loại nhạc cụ của người Cơ-tu, bà Alăng Thị Nhá giải thích, loại đàn h’jưl có thể dùng để đánh đệm khi hát dân ca Cơ-tu (ba’boóch) hoặc hát theo điệu hát của đàn ông Cơ-tu (cha’chấp k’lới) hoặc hát lý (bh’noóch)... Tiếng đàn h’jưl khi chơi phát ra âm thanh mềm mại, uyển chuyển, tượng trưng cho giọng người nữ, còn cây đàn bró có âm thanh trầm hùng, tượng trưng cho giọng của người nam. “Hai cây đàn này được tấu với nhau sẽ tạo ra âm thanh “nam-nữ” hòa quyện nghe thật êm tai, người Cơ-tu rất thích.

“Ngày xưa, trai gái Cơ-tu lên chòi trên nương rẫy, ra bờ suối vắng chơi đàn để bày tỏ tình cảm bằng những giai điệu nỉ non, tình tứ… Từ đó mới có cảm tình rồi yêu nhau và cưới nhau nên vợ nên chồng”, bà Alăng Thị Nhá chia sẻ.

TIÊN SA

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.