Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng sáo của người Raglai

PV - 16:24, 03/04/2018

Trải qua bao thăng trầm, tiếng sáo, điệu múa truyền thống của cộng đồng người Raglai ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…đi vào cuộc sống như người bạn tinh thần với mỗi người. Từ buôn làng, tiếng sáo, điệu múa ấy còn ngân xa hơn đến nhiều vùng đất trong và ngoài nước như sự chuyển tải khát vọng vươn lên không ngừng nghỉ của cộng đồng người Raglai vậy.

Tiếng sáo-tiếng lòng

Nhiều năm gắn bó với việc nghiên cứu tiếng sáo của người Raglai, TS Nguyễn Văn Toàn (Giảng viên Trường ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh) khám phá dần ra rằng; Ngoài đàn chapi, mã la, đàn đá thì các điệu múa theo làn dân ca và tiếng sáo đã gắn kết với đời sống tinh thần của người Raglai từ bao đời nay. Có thời điểm chỉ còn vài nơi ở xã Phước Thắng (huyện miền núi Bác Ái, Ninh Thuận) và thị trấn Tô Hạp (Khánh Sơn, Khánh Hòa) còn người làm sáo thuần thục nên cần phải giữ gìn.

Trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong những lễ hội, đồng bào Raglai luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. (Trong ảnh: Tái hiện lễ bỏ mả của dân tộc Raglai). Trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong những lễ hội, đồng bào Raglai luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. (Trong ảnh: Tái hiện lễ bỏ mả của dân tộc Raglai).

 

Sáo của người Raglai có âm vực sâu và réo rắt rất đặc biệt bởi kỹ thuật làm sáo lẫn khâu chọn vật liệu đều áp dụng bằng kinh nghiệm và bí quyết riêng. Thường sáo phải được chọn từ các cây nứa, cây trúc có độ già vừa phải để vừa nặng khi cầm tay mà tiếng sáo không bị chìm. Sau khi sáo khoan lỗ xong, các nghệ nhân còn phải ngâm vào loại nước lá cây chỉ người Raglai truyền lại cho nhau trong 10 ngày rồi hong khô sau đó các nghệ nhân mới dùng biểu diễn. Vì sự độc đáo này nên nhiều người đến tận miền núi Khánh Sơn hay Bác Ái để được thưởng thức tiếng sáo và mua sáo của người Raglai.

Dành trọn đời mình để nghiên cứu các nét độc đáo trong văn hóa dân gian của dân tộc mình, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến (Tô Hạp, Khánh Sơn, Khánh Hòa) cho biết; Sáo của người Raglai còn gọi là ploi. Tiếng sáo còn có vai trò quan trọng trong những đêm hát, đọc các pho sử thi nổi tiếng của người Raglai như: Awơi nãi Tilơr, amã cuvau vongcơi, Ujai Ujàc… Tiếng sáo đệm cũng giống tiếng đàn làm lời kể, lời hát sử thi ngân vang hơn, đi vào lòng người hơn.

Các điệu múa truyền thống như: Điệu alơu sa-ư, điệu alư mâu… rồi các điệu đồng dao cũng rất cần tiếng sáo đệm vào. Cũng theo các nghệ nhân Raglai, khi biểu diễn riêng lẻ, tiếng sáo cũng đóng vai trò làm cầu nối tâm tư, nguyện vọng của người Raglai cũng như niềm yêu quý của họ dành cho người khác thông qua tiếng sáo.

Vượt ra khỏi buôn làng

Trong căn nhà đơn sơ của mình ở thôn Gia Rích (xã Giang Ly, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), vượt qua khó khăn vật chất lẫn những cách trở về không gian, hằng ngày cứ rảnh là nghệ nhân Cao Thiên lại cần mẫn đi tìm và sưu tầm về các loại vật liệu làm sáo và không ngừng sáng tạo ra các làn điệu mới. Ông Thiên bộc bạch rằng: Mã la (còn gọi là chiêng) hay đàn chapi thì nhiều người biết rồi nhưng tiếng sáo thì vẫn còn ít người biết, mình phải làm cho sức sống của các làn điệu sáo truyền thống dân tộc Raglai sống động hơn, bền bỉ hơn, nhiều người biết hơn. Chính vậy nên trong hầu hết các lễ hội trong xã, huyện, tỉnh… Cao Thiên đều xung phong đi diễn. Cũng có khi đến các khu du lịch biểu diễn miễn phí cho khách trong nước và quốc tế thưởng thức.

Quyết tâm để điệu múa, tiếng sáo, kỹ thuật thổi sáo của cộng đồng người Raglai được lan truyền sâu rộng nên suốt nhiều năm qua cùng với việc truyền dạy mã la, ông Cao Quang Chính ở Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) còn dạy sáo cho hàng ngàn người dân cả trong lẫn ngoài huyện. Nhất là trong các dịp nghỉ hè hay cuối tuần, nghệ nhân Cao Quang Chính lại đến các trường học vận động học sinh tham gia môn nghệ thuật độc đáo này. Ông Chính luôn tâm niệm rằng: Mỗi một loại dụng cụ có một cách thể hiện, cách truyền tải riêng. Có những nỗi lòng mà không thể nói bằng tiếng chiêng, bằng điệu múa được nên phải réo rắt bằng tiếng sáo. Hàng trăm học sinh đã tích cực học loại nhạc cụ này nên càng tiếp thêm động lực cho những nghệ nhân như ông Chính.

Trước đây tiếng sáo Raglai chủ yếu cộng đồng buôn làng nghe, giờ các cộng đồng khác cũng nghe. Đặc biệt mỗi năm có hàng trăm đoàn khách quốc tế đến thăm quan khu Yang Bay ở Khánh Vĩnh đều có nhu cầu thưởng thức sáo truyền thống và các điệu múa theo làn điệu dân ca Raglai. Nhiều khách còn thích thú mua sáo và muốn được hướng dẫn học theo. Các nghệ nhân mong ngày càng có nhiều cuộc biểu diễn để loại hình nhạc cụ độc đáo này ngày càng phát triển hơn.

ĐÔNG HƯNG