Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Tiếp sức cho đồng bào trên chặng đường hồi hương

Thúy Hồng -Văn Hoa - 10:53, 10/10/2021

Hành trình vượt hàng nghìn km từ miền Nam về quê ở các tỉnh phía Bắc dẫu mệt mỏi, nhưng đồng bào hồi hương, trong đó rất nhiều người dân tộc thiểu số, luôn nhận được sự chia sẻ, tiếp sức bằng vật chất, tinh thần của cộng đồng và lực lượng chức năng trong suốt hành trình đồng bào đi qua các địa phương để về quê. Những nghĩa cử ấy càng làm sáng hơn, ấm áp hơn về tình người, tình dân tộc...

Tại chốt kiểm soát số 1 Quốc lộ 1A, người dân được hỗ trợ đồ ăn thức uống từ các tổ chức, các đoàn thiện nguyện
Tại chốt kiểm soát số 1 Cầu Gĩe Quốc lộ 1A, người dân được hỗ trợ kịp thời đồ ăn thức uống từ các tổ chức, các đoàn thiện nguyện

Ấm lòng hộp cháo nhỏ giữa đêm

Mới gần 5 giờ sáng, trời vừa chạng vạng nhưng Trương Văn Hải, sinh năm 1991, dân tộc Dao ở Bảo Lâm (Cao Bằng) đã thức dậy, sau một đêm nghỉ tại chốt số 1 Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội).

Hải bảo đoàn của mình xuất phát từ Bình Dương, có khoảng 40 người, đã đến đây từ 10 giờ đêm hôm trước. Không có xe máy, Hải phải đi nhờ bạn ở Hà Giang. Nhưng khi về đến chốt Phú Xuyên, cán bộ nói là ai ở tỉnh nào thì đi về theo tỉnh đó, nên bạn ở Hà Giang về trước, còn anh thì phải chờ sáng mai xin nhập cùng đoàn khác để về cùng.

“May quá, cán bộ bảo sáng nay sẽ có đoàn về Cao Bằng, Lạng Sơn từ trong Nam ra, em được về nhà rồi”, Hải vui vẻ nói.

Hải kể: Do ở nhà ruộng nương ít, không có việc làm, nên đã phải bôn ba vào tận Bình Dương để làm công nhân. Lương công nhân của Hải được 8 triệu đồng, trừ tiền ăn tiêu sinh hoạt cũng còn dư để dành. Nhưng mới vào được 2 tháng, thì dịch bệnh bắt đầu bùng phát, sau đó công ty cho làm cầm chừng, rồi 3 tháng nay thì nghỉ hẳn việc. Hiện tại công ty vẫn còn thiếu hơn 1 tháng lương, không có tiền trả tiền nhà nên đành về quê.

Nhận hộp cháo nóng hổi của những người dân xung quanh mang đến, Hải vừa ăn vừa xuýt xoa về món cháo đêm rất ngon. “Trên đường về không còn tiền, may mắn qua các địa phương đều có các chốt dừng cho người về quê được phát đồ ăn, nếu không thì nhiều người sẽ chết đói”, Hải nói với vẻ mặt đầy biết ơn.

Khoảng 7 giờ sáng tại chốt Cầu Giẽ có tiếp một đoàn khá đông, khoảng 100 người, từ các tỉnh phía Nam về nhiều nơi như Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La dừng chân tại chốt. Đoàn được lực lượng chức năng của Hà Nội sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, được phát đồ ăn đồ uống lấy sức để tiếp tục hành trình về quê.

Trong số công dân hồi hương này, có gia đình chị Lư Thị Mỵ, anh Thào Mí Nô, quê ở Đồng Văn (Hà Giang). Trên tay chị Mỵ đang bế theo đứa con trai 3 tuổi, với dáng người mệt mỏi có lẽ vì phải đi xe máy trên chặng đường dài. Đi cùng anh chị còn có cô cháu gái 10 tuổi (con của chị gái).

Chị Mỵ kể, anh chị vào Bình Dương làm thuê, dịch bệnh kéo dài, không có việc làm, lo lắng cho các con nên phải về. Chở theo cả con nhỏ nên hai vợ chồng phải đi từ từ, không đi được nhanh. Qua các chốt dừng ở các địa phương, gia đình chị đều được cán bộ và người dân phát đồ ăn, đồ uống. “Trong dịch bệnh khó khăn mà vẫn nhận được sự quan tâm của những người dân nơi mình đi qua, mình rất biết ơn”, chị Mỵ nói.

Khi được chúng tôi hỏi về cuộc sống và hướng mưu sinh sau này. Chị Mỵ bảo: "Về quê không có ruộng nương cũng khổ lắm, bây giờ cũng chưa biết tính sao, thôi cứ đợi hết dịch, về được quê gần người thân lo an toàn cho gia đình rồi mới có thể tính tiếp được"

Những người không còn khả năng đi xe máy sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ
Những người mệt mỏi, không còn khả năng đi xe máy sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ

Rút ngắn hành trình

Trong khi người dân nghỉ chân, ăn uống, đội Cảnh sát giao thông của Hà Nội, cùng các lực lượng chức năng của huyện Phú Xuyên tập hợp lên danh sách, phân chia công dân theo từng tỉnh, đi theo từng đoàn có Cảnh sát dẫn đường hộ tống đến địa phận của tỉnh đó. Đối với những người dân bị thương dọc đường, hoặc người già, trẻ em mệt mỏi sẽ được đi bằng xe buýt; phương tiện xe máy của họ được chuyển lên xe tải chở đến các chốt giáp ranh.

Để giúp người dân về quê an toàn, Sở Giao thông TP. Hà Nội đã bố trí khoảng 500 xe buýt phục vụ công tác chuyên chở người dân từ các tỉnh miền Nam về quê. Người dân sau khi đi xe máy về đến chốt Cầu Giẽ, sẽ được xe buýt chở theo Quốc lộ 32 hướng về cầu Trung Hà, hoặc theo đường Bắc Giang, Lạng Sơn để tiếp tục chuyển giao cho các tỉnh đón nhận.

Anh Hoàng Quý, lái xe buýt chuyên chở người dân qua các điểm chốt cho biết: Từ đầu tháng đến nay, mỗi ngày anh chở khoảng 2 - 3 đoàn qua Hà Nội để về Hà Giang, Sơn La hoặc hướng Lạng Sơn, Cao Bằng. Người dân đi đường xa đến đây rất mệt, nên mình chở họ đi cho an toàn.

Anh Quý cho biết: Dù biết bà con ở tâm dịch về có nguy cơ lây bệnh, nhưng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển F1 lên các khu cách ly, và cũng là hỗ trợ bà con rút ngắn hành trình hồi hương.

Anh Dương Thế Anh (khẩu trang đen) là thành viên của nhóm hoạt động thiện nguyện tặng đồ ăn dọc đường cho bà con
Anh Dương Thế Anh (khẩu trang đen) là thành viên của nhóm hoạt động thiện nguyện tích cực phân phát đồ ăn dọc đường cho bà con

Tình người không thể đong đếm

Những ngày này, đi dọc theo Quốc lộ 1A từ Hà Nam đến Cầu Giẽ, điểm chốt cầu Trung Hà, Sơn Tây (TP. Hà Nội), sẽ thấy những tấm bảng có nội dung thấm đẫm tình người, như nước uống, sữa, bánh mì, cháo miễn phí tặng bà con trên đường về quê.

Trong căn lán dựng bằng bạt tại chốt kiểm soát số 1 Quốc lộ 1A, luôn đầy ắp từ đồ ăn, thức uống. Từ đồ ăn nhanh đến đồ khô gói mang đi dọc đường.

Anh Dương Thế Anh, là thành viên của nhóm hoạt động thiện nguyện có mặt tại chốt để phát đồ ăn cho bà con trên đường về quê cho biết: Ngày nào nhóm của anh cũng mang đồ ăn từ Hà Nội xuống các chốt cửa ngõ để tiếp tế cho bà con.

Chị Hoàng Thị Mỵ (Bảo Lâm, Cao Bằng) mệt mỏi sau hành trình dài
Chị Hoàng Thị Mỵ (Bảo Lâm, Cao Bằng) mệt mỏi sau hành trình dài

Không riêng gì nhóm của anh Thế Anh, một nhóm khác đến xếp sẵn những hộp gói quà bánh mì, sữa để phòng đói dọc đường, nhóm khác trao áo mưa, khẩu trang.

Đại diện đơn vị thiện nguyện - HTX Tâm An Phú Xuyên, cho biết: Mỗi khi xe dừng tại các điểm chốt, các anh chị lại đưa cơm nước, khăn giấy cho bà con ăn uống dọc đường. Với những gia đình có con nhỏ hay người bị đau ốm, mỗi hộ 200.000 đồng tiền mặt.

Tại các địa phương đã sẵn sàng đón người dân trở về quê hương với nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đại dịch, tình người không thể đong đếm, những nghĩa cử cao đẹp đó đã tiếp thêm sức mạnh, rút ngắn chặng đường về quê xa của đồng bào.