Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tiêu chí lòng dân

Trọng Bảo - 13:08, 14/02/2021

Phú Nhuận là một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện Bảo Thắng và cũng là của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu. Địa phương đang quyết tâm phát huy sức mạnh nội lực, sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trước 2 năm so với lộ trình đặt ra.

Người dân Phú Nhuận phấn khởi hiến hàng ngàn mét vuông đất đồi rừng mở rộng đường giao thông liên thôn.
Người dân Phú Nhuận phấn khởi hiến hàng ngàn mét vuông đất đồi rừng mở rộng đường giao thông liên thôn.

Dân đồng thuận…

Có dịp về thăm xã Phú Nhuận, khắp mọi nẻo đường liên thôn Nhân dân đang phấn khởi vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỗ thì gấp rút đổ bê tông mở rộng lòng đường… Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lý cho biết: Cuối năm 2014, xã Phú Nhuận được công nhận xã NTM. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xác định, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con phát huy tinh thần đoàn kết và tự giác, tiếp tục chung tay cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương duy trì tính bền vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

“Qua thời gian triển khai, chúng tôi rút ra một điều quan trọng, đó là: Có một tiêu chí dù không có trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, nhưng không thể thiếu đó là, tiêu chí “lòng dân”. Trong thi đua xây dựng NTM, khi người dân hiểu và đồng thuận, thì việc dù khó đến mấy cũng hoàn thành. Ngay như ở xã Phú Nhuận hiện nay, hầu hết bà con đã thuộc lòng những câu khẩu hiệu như “Làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”, “Đường rộng, lòng người rộng-đường hẹp, lòng người hẹp”, “Đất vàng việc làng không tiếc”… qua đây, thể hiện sự chung sức chung lòng của bà con Nhân dân đối với phong trào chung của xã”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lý bộc bạch.

Khi hoàn thành xây dựng NTM, xã Phú Nhuận có 102km đường liên thôn được bê tông hóa; trong đó, các tuyến đường trục chính được mở theo tiêu chuẩn đường rộng 4,8m; lòng đường đổ bê tông rộng 3m. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, nhiều hộ gia đình trong xã mua sắm được ô tô tải, ô tô con phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa nên các tuyến đường liên thôn đã dần trở lên chật chội.

Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi cần phải củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và đường giao thông nói riêng, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn. Để giải bài toán này địa phương đã vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hỗ trợ về máy móc cơ giới để san gạt những khu vực có địa hình đồi núi cao, ủng hộ xi măng… Nhưng quan trọng nhất đó là, người dân đã đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền mua nguyên vật liệu và hàng nghìn ngày công để làm đường bê tông và mở rộng mặt đường...

Dọc các tuyến đường đã hoàn thành được trồng hoa tạo cảnh quan sạch đẹp.
Dọc các tuyến đường đã hoàn thành được trồng hoa tạo cảnh quan sạch đẹp.

Cán bộ làm gương

Đơn cử như, tuyến đường liên thôn Hải Sơn 2 dài 2,1km. Trước đây, đường được mở rộng 4,8m, mặt đường đổ bê tông 3m. Đến nay, tuyến đường này đã được mở rộng lên 6,8m, mặt đường đổ bê tông 4m (rộng thêm 1m so với trước). Ông Phạm Viết Quân, Trưởng thôn Hải Sơn 2 cho biết: Khi vận động bà con chưa hẳn đã đồng thuận, nhiều ý kiến đề nghị các hộ đảng viên phải tiên phong hiến đất làm trước thì bà con sẽ làm theo.

“Dọc tuyến đường này, hầu hết sau khi hoàn thành các hộ gia đình đã xây tường gạch kiên cố; muốn mở rộng đường thi phải đập bỏ rất nhiều bờ tường của các hộ gia đình. Bà con bảo “nhà ông Quân đập thì nhà chúng tôi cũng đập”; gia đình tôi đã tự nguyện đập dỡ gần 100m bờ tường xây bao quanh nhà, sau đó lần lượt đến nhà anh Phạm Văn Chín và hàng chục hộ dân khác… Cả thôn Hải Sơn 2 có 102 hộ, thì có tới 30 hộ hiến đất, phá bỏ bờ tường rào để mở rộng đường. Bây giờ, đường rộng thênh thang, hai xe tải nhỏ có thể tránh nhau dễ dàng, hàng hóa, nông sản của bà con được thương lái đánh xe về tận cổng nhà thu mua ai cũng phấn khởi”, Trưởng thôn Hải Sơn 2, Phạm Viết Quân chia sẻ.

Tính đến thời điểm này, giai đoạn 1 mở rộng các tuyến đường giao thông liên thôn trên địa bàn xã Phú Nhuận đã mở rộng được 22km đường từ 4,8m lên 6,8m; trong đó đã đổ bê tông mặt đường lên 4m được 9km. Cả xã có 25 thôn bản thì hết năm 2020 đã có 9 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Song song với việc nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, xã Phú Nhuận chỉ đạo bà con, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập. Hiện nay, thu nhập của người dân xã Phú Nhuận bình quân đạt 41,5 triệu đồng/người/năm; cả xã có gần 3 nghìn hộ với 5 dân tộc Kinh, Xa Phó (thuộc dân tộc Phù Lá), Tày, Dao, Mông; trong đó tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2010 còn 4,5%.

Xã Phú nhuận đang phấn đấu về đích xã NTM nâng cao trước 2 năm so với lộ trình đặt ra (kế hoạch 2023), chắc chắn đây là mục tiêu không phải là việc dễ dàng, song bằng những giải pháp phù hợp, con đường đến xã NTM nâng cao của Phú Nhuận không phải là khó, khi mà vùng quê đang ngày một thay da đổi thịt, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tại 25 thôn, bản trên địa bàn xã đang ngày một ấm no, hạnh phúc, nhận thức về xây dựng NTM trong vùng đồng bào đã được nâng cao.n

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.