Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tìm sự chuyển mình cho văn học đề tài dân tộc miền núi

PV - 12:26, 27/07/2018

Đề cập về đề tài dân tộc và miền núi trong sáng tác văn học, nhiều nhà văn cho rằng, đó là một mảnh đất màu mỡ vô tận, khai thác mãi cũng không bao giờ cạn. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng các tác phẩm văn học về đề tài DTTS và miền núi vẫn còn hạn chế. Để bắt nhịp được với xu thế của văn chương, mảng văn học đề tài dân tộc và miền núi cần phải có sự chuyển mình mạnh mẽ.

dân tộc miền núi Phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc luôn là những đề tài bất tận trong văn học.(Trong ảnh: Lễ hội Xăng khan của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An).

Dấu ấn vàng son

Trong nền văn học Việt Nam đã từng ghi dấu những tác phẩm có giá trị sâu sắc về đề tài dân tộc và miền núi. Có thể kể đến tác phẩm “Rừng xà nu”, “Đất nước đứng lên”, “Rẻo cao” của nhà văn Nguyễn Trung Thành (bút danh Nguyên Ngọc); “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài; “Xa Phủ” của Ma Văn Kháng; “Đàn trời” của Cao Duy Sơn; “Cưỡi ngựa đi săn”, “Trăng Mã Pì Lèng” của Dương Thuấn; “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp...

Sau gần 30 năm đổi mới, văn học-nghệ thuật các DTTS Việt Nam đã có bước trưởng thành rất đáng tự hào. Nếu như trước kia, các tác giả DTTS và miền núi chỉ sáng tác bằng tiếng dân tộc rồi tự dịch sang tiếng Việt thì nay đã chọn cách sáng tác bằng song ngữ để tác phẩm đến với độc giả dễ dàng và nhanh hơn. Đây được xem như một điểm đổi mới quan trọng của văn học DTTS và miền núi.

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam từng nhận xét rằng: Từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều tác phẩm ra đời phục vụ nhu cầu thưởng thức văn học-nghệ thuật của đồng bào các dân tộc. Hầu hết các tác giả sáng tác văn học, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian đều có sách xuất bản. Không ít tác giả xuất bản hơn 10 đầu sách; có họa sĩ tổ chức tới gần mười cuộc triển lãm tranh cá nhân. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ xuất bản băng đĩa tác phẩm riêng. Trong các ngành nghệ thuật thì văn học và mỹ thuật có sự phát triển nhanh về đội ngũ và chất lượng sáng tạo. Ðáng chú ý là văn xuôi thế hệ trước mới hình thành thì nay đã có lực lượng khá đông. Một số nhà văn tiêu biểu như: Dương Khâu Luông, Hoàng Chiến Thắng, Bùi Thị Ngọc Lan, Nông Tô Hường, Nông Thị Ngọc Hòa, Kim Nhất, Hơ Vê, Chu Thùy Liên, Triệu Kim Văn, Tằng A Tài…

Cần dấn thân và bứt phá

Bàn về vấn đề thiếu các tác phẩm

văn học viết về đề tài dân tộc và miền núi, nhà văn Y Phương đã từng chia sẻ: “Mảng lý luận phê bình văn học các DTTS Việt Nam thiếu trầm trọng. Số người viết lý luận phê bình là người DTTS chuyên về mảng văn học của DTTS có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong số hơn 1.000 hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, có hơn 50 nhà văn là người DTTS. Số nhà văn toàn tâm, toàn ý đầu quân cho mảng lý luận phê bình cũng thật khiêm tốn. Vốn là “mảnh đất màu mỡ”, vậy tại sao vẫn thiếu những tác phẩm văn học viết về dân tộc và miền núi?

dân tộc miền núi Cần nhiều hơn những tác phẩm văn học về đề tài dân tộc và miền núi. (Ảnh minh họa)

Nhà văn Tống Ngọc Hân, một trong những nhà văn trẻ đã sớm khẳng định tên tuổi với đề tài viết về miền núi với những áng văn đẹp, thấm đẫm chất trữ tình, chia sẻ: “Viết về đề tài dân tộc và miền núi không dễ. Nó đòi hỏi vốn văn hóa vùng cao của người viết phải rộng lớn. Thậm chí có những người sống ở vùng cao lâu năm, nhưng không có điều kiện tìm hiểu thì cũng không viết được. Ngược lại những người thích khám phá thì lại không có khả năng viết. Văn hóa là thứ không thể bịa đặt, người viết không thể hư cấu. Vậy, để có thể viết được những tác phẩm văn học về dân tộc và miền núi, tác giả cần phải nghiên cứu, tìm hiểu và thấm nhuần giá trị văn hóa của dân tộc”.

Cũng theo nhà văn Tống Ngọc Hân, để tăng lên số lượng cũng như chất lượng các tác phẩm văn học viết về dân tộc và miền núi, cách duy nhất là vận động những cây bút người DTTS, người sinh sống ở miền núi tham gia sáng tác. Quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện giúp họ sáng tác. Không ai có thể thay họ nói lên tiếng nói, khát vọng của dân tộc họ.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường, sự bùng nổ của thông tin len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, kể cả vùng sâu, vùng xa cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đứng ở góc độ những người cầm bút, các nhà văn dấn thân vào phản ánh hiện thực với ngòi bút nhân văn, sâu sắc hay đi vào những giá trị xưa cũ, tìm sự an toàn trong những áng văn đẹp là lựa chọn của mỗi người. Tuy vậy, sự dữ dội, khốc liệt của đời sống không phải không tạo nên những áng văn bất hủ.

“…Trong đói nghèo, lam lũ hay trong thay đổi chóng mặt không phải không có những khoảng lặng, những khoảnh khắc đẹp, kích thích lòng hướng thiện, khơi gợi khát vọng đổi đời. Những nhà văn cầm bút càng phải chú trọng đến những yếu tố nhân văn này để hoàn thành sứ mệnh của mình và tạo nên dấu ấn thực sự của mình với văn đàn, với bạn đọc.Vì thế, để đi sâu vào đời sống, nhà văn viết về đề tài dân tộc và miền núi hôm nay cần sự dấn thân quyết liệt hơn nữa và càng cần sự bứt phá ngoạn mục với những cú hích để tạo thành một làn sóng mới trong nền văn học hiện đại...”, nhà văn Tống Ngọc Hân chia sẻ.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.