Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ tế trâu trên đền tháp Po Klong Garai

Bá Minh Truyền - 16:47, 23/05/2025

Cứ đến chu kỳ 7 năm, tộc họ Cuah lại tổ chức Nghi lễ tế trâu dâng lên thần linh trên đền tháp Po Klong Garai. Đây là dịp để các thành viên trong dòng tộc gặp mặt, cùng nhau tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cũng là cách để bảo tồn các nghi lễ truyền thống của người Chăm, nhất là hát xướng ca của chức sắc ông Kadhar cùng các điệu múa dâng lễ đặc sắc, thu hút người xem.


Các chức sắc mang lễ vật lên tháp dâng lễ.
Các chức sắc mang lễ vật lên tháp dâng lễ.

Tộc họ Cuah sinh sống tập trung ở các làng Chất Thường, Hoài Trung và Bàu Trúc thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tập tục tế trâu trên đền tháp là nghi lễ lớn có sự tham gia của các chức sắc Po Adhia, ông Kadhar, bà Pajau và ông Camanei. Diễn trình nghi lễ diễn ra theo trình tự giống các công lễ Yuer Yang, Katê và Cambur, gồm mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc lễ phục, dâng lễ vật và hát xướng ca. Sau phần lễ trên tháp, tộc họ tiếp tục tổ chức nghi lễ Payak ở dưới chân đồi.

Mở đầu lễ tế, các chức sắc và thành viên trong tộc họ làm nghi thức tấu trình với thần linh về việc dâng lễ để cầu mong sự phù hộ. Ông Camanei sử dụng nước hương trầm tạc lên bức phù điêu thần Siva xin phép mở cửa tháp, ông Kadhar hát xướng ca hướng dẫn Po Adhia thực hành dâng lễ gồm trầu cau, rượu trứng, chuối, hạt nổ, bánh trái, cơm vun và khô cá nhám. Vật tế đặc biệt là con trâu nướng đặt bên ngoài đền tháp.

Các chức sắc dâng lễ vật tộc họ Cuah trên đền tháp Po Klong Garai.
Các chức sắc dâng lễ vật tộc họ Cuah trên đền tháp Po Klong Garai.
Nghi thức thỉnh mời rượu cần trong nghi lễ Payak.
Nghi thức thỉnh mời rượu cần trong nghi lễ Payak.

Ông Kadhar thỉnh mời và hát ngợi ca công đức các vị thần như Po Ina Nagar, Po Pan, Po Girai Bhaok, Po Bia Binân, Po Rame… Khi hát lễ đến vị thần nào thì Po Adhia rót rượu mời thần linh nhận lễ. Thỉnh mời đến Po Cei Thun, bà Pajau bưng khay rượu trứng khấn bái, tiếng đàn kanyi hòa cùng giọng xướng ca tạo cao trào trong nghi lễ, khiến người xem phấn khích và vỗ tay theo điệu nhạc.

Sau phần lễ trên đền, lễ Payak tiếp tục được thực hiện trong nhà lễ dựng bằng tấm liếp dưới chân đồi với lễ vật phong phú hơn: bánh tét, bánh hấp, chuối, rượu trứng, thịt gà, cơm, canh và con trâu nướng đặt trước nhà lễ. Khi thỉnh mời thần hưởng lễ, mọi người đều chắp tay lên đầu khấn bái, thể hiện sự trang nghiêm và tôn kính.

Bà Đàng Thị Dụ, thành viên tộc họ Cuah ở làng Bàu Trúc, kể rằng từ lúc 15 tuổi bà đã theo gia đình xem tế trâu và đến nay đã ngoài 60 tuổi nhưng mỗi lần tổ chức lễ, bà đều tham dự. Theo bà, đây là tập tục truyền thống thiêng liêng, con cháu có nghĩa vụ gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau. Năm nay, ông Hán Đen (71 tuổi) được tín nhiệm làm chủ tế - người đại diện cắt tiết vật tế. Để đảm nhiệm vai trò này, ngoài uy tín, người được chọn phải thực hành nghi thức tẩy thể để thanh sạch thân tâm trước khi dâng lễ.

Ông Camanei tế nước hương trầm lên phù điều tượng thần Siva xin phép mở cửa tháp.
Ông Camanei tế nước hương trầm lên phù điều tượng thần Siva xin phép mở cửa tháp.
Ông Kadhar hát lễ thỉnh mời thần linh hưởng lễ vật trong nghi lễ Payak.
Ông Kadhar hát lễ thỉnh mời thần linh hưởng lễ vật trong nghi lễ Payak.
Tộc họ Cuah chắp tay khấn bái tổ tiên trong lễ tế trâu ở đền tháp Po Klong Garai
Tộc họ Cuah chắp tay khấn bái tổ tiên trong lễ tế trâu ở đền tháp Po Klong Garai

Việc tổ chức Lễ tế trâu không chỉ thể hiện lòng tri ân tổ tiên mà còn góp phần thắt chặt đoàn kết trong tộc họ và bảo tồn các nghi lễ truyền thống đặc sắc của người Chăm. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai Dự án 6 về bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030. Việc duy trì và thực hành các nghi lễ như Lễ tế trâu chính là minh chứng sinh động cho sự gắn kết giữa bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững, góp phần tôn vinh bản sắc dân tộc, thúc đẩy du lịch văn hóa tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín bảo tồn văn hóa Raglay

Người có uy tín bảo tồn văn hóa Raglay

Người có uy tín - Nghệ nhân Ưu tú Pi Năng Trách ở thôn Ma Oai được đồng bào Raglay huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận ví như “báu vật sống” của bản làng. Ông dày công nghiên cứu và “nằm lòng” các nghi lễ truyền thống của đồng bào Raglay như bỏ mả, báo hiếu, cưới hỏi. Ông cùng các nghệ nhân dân gian xã Phước Thắng đã tái hiện thành công Lễ cưới Raglay tại Lễ hội Văn hóa Raglay 2025, nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ cán bộ, nhân dân và du khách.