Trà Nhiêu còn lưu giữ khá đậm nét giá trị văn hóa thuần Việt với phong cảnh làng quê yên bìnhNgôi làng bên ngã ba sông
Vùng đất Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) lâu nay khiến không ít người ở, người đi thao thức. Thao thức bởi tiếng hát bài chòi, hò khoan, thao thức bởi chất nguyên sơ của rừng dừa xanh ngát, thao thức bởi hồn người, hồn quê ấm áp cho những bước chân. Như một làng quê Nam Bộ thu nhỏ với rừng dừa nước, với hàng cau, những hàng rào chè tàu, những con sông uốn lượn bao quanh, Trà Nhiêu giống một cù lao trong dập dìu sông nước.
Xưa kia, làng này đẹp nhất nhì sông Bàn Thạch, chiếu cói cũng từ đây mà ra. Làng chỉ thuần làm nông nghiệp, rồi một ít cư dân làm lưới sông, đi biển. Thời của dinh trấn Thanh Chiêm, Trà Nhiêu là một cái tên đặc biệt. Ra đời trước cả thương cảng Faifo (Hội An), một phần lịch sử của làng gắn liền với những cuộc giao thương quốc tế. Vị trí thương cảng được chuyển đổi từ thế kỷ XVI, Trà Nhiêu cũng trở nên vắng bóng trong lịch sử thương mại nước Việt từ đó, vết dấu xưa không còn.
Người dân Trà Nhiêu đã quen với hình ảnh những đoàn du khách nước ngoài tham quan trong làngThời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, Trà Nhiêu trở thành ngôi làng ác liệt trong chiến tranh. “Làng kháng chiến”, khu dồn Xuyên Long, đủ để gợi nhắc về hành trình của làng thời kháng chiến. Và còn mang cả những đặc trưng của một ngôi làng ở vùng cửa sông, cửa biển.
Trà Nhiêu còn lưu giữ khá đậm nét giá trị văn hóa thuần Việt với phong cảnh làng quê yên bình. Những con đường xanh, cổ kính uốn mình theo xóm làng giữa vườn cây rợp bóng mát. Những rặng chè tàu mơn mởn được cắt tỉa đẹp đẽ, gọn gàng chạy dọc hai bên đường làng. Trà Nhiêu có rừng dừa ngập nước xanh mướt một khoảng trời. Bao bọc, len lỏi khắp các ngõ ngách sông nước. Nhà nào cũng đầy bóng cau.
Trà Nhiêu còn khiến người ta phải xao xuyến hơn thế, khi nhìn những đôi tay thoăn thoắt trên các khung dệt chiếu đủ sắc màu nhuộm thêm cho nắng ươm. Từ dừa nước, những sản phẩm nghệ thuật ra đời. Từ đầu tới cuối làng hàng chục ngôi nhà vườn đặc trưng khuất mình dưới hàng cau thẳng tắp. Mọi không gian đều được làm theo nguyên tắc thoáng đãng, xanh tươi. Ngay cả tiếng ồn cũng được giảm thiểu.
Từ nghề phụ trợ cho ngư dân, đan lưới nay trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút sự tò mò và thích thú của nhiều du khách quốc tếHiện nay hơn một nửa dân số làng Trà Nhiêu sống bằng nghề biển. Sau những chuyến ra khơi, họ trở về làng, tiếp tục nhịp sống gắn bó với sông nước. Trên con đường ven triền sông, bóng dáng người phơi lát, trồng đay, đan lưới, đánh cá… hiện diện gần như suốt ngày, tạo nên một khung cảnh lao động đặc trưng, bình dị.
Nghề dệt chiếu ở Trà Nhiêu, với thương hiệu “Chiếu Bàn Thạch” đã nổi danh từ xa xưa, đến nay vẫn được lưu truyền. Tất cả các công đoạn, từ trồng, thu hoạch nguyên liệu, đến phơi, nhuộm, dệt chiếu đều được thực hiện thủ công bởi đôi tay khéo léo của người dân. Những sợi đay, sợi cói qua bàn tay tài hoa của các bà, các chị trở thành những tấm chiếu rực rỡ sắc màu – như những bức tranh mang đậm hơi thở làng quê, được ví như sản phẩm của những “họa sĩ nông dân” truyền đời.
Cùng với nghề dệt chiếu, nghề đan lưới cũng là nét văn hóa lao động truyền thống đặc trưng của cư dân vùng biển Trà Nhiêu. Những tấm lưới dài, mềm mại như dải lụa được chính tay người phụ nữ miền biển đan nên, để người chồng, người cha trong gia đình mang theo mỗi chuyến vươn khơi.
Nghề đan lưới- nét đẹp trong lao động thường ngày Đường làng được cải tạo, không gian xanh phủ khắp từ lối nhỏ uốn lượn đến tận khuôn viên từng ngôi nhà. Giữa trưa hè, nằm nghỉ trên chiếc võng treo ngoài vườn, phóng tầm mắt ra là thấy cây lá sum suê, trời trong, mây trắng và sông nước lững lờ – một bức tranh quê yên bình, khiến lòng người say mê, quên hết nhọc nhằn.
Đó cũng chính là những giá trị văn hóa phi vật thể bền bỉ, lắng sâu trong đời sống tinh thần của cư dân làng Trà Nhiêu – một làng quê ven sông mang đậm bản sắc miền duyên hải Trung Bộ.
Trà Nhiêu không xa Hội An, cũng không nằm tách biệt hay đò giang cách trở. Cảnh vật nơi đây yên bình, dung dị như chính con người của vùng đất này. Đã có một thời gian dài, Trà Nhiêu dường như “ngủ quên” giữa nhịp phát triển sôi động của xứ Quảng.
Tháng 7 năm 2010, Trà Nhiêu chính thức ra mắt mô hình Làng du lịch sinh thái cộng đồng. Từ đó, làng bắt đầu một hành trình mới với những đổi thay tích cực. Mọi điều kiện cần thiết cho việc đón khách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Có tới 80 hộ dân được cử đi tập huấn các kỹ năng phục vụ du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Người làng cũng chung tay thành lập các nhóm nghề thủ công để bổ sung vào hoạt động du lịch trải nghiệm, góp phần vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống, vừa phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Du lịch không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh du lịch tăng doanh thu, mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phươngThức dậy Trà Nhiêu
Những ngày tháng 5, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu như vui nhộn hẳn lên bởi khách tham quan trong và ngoài nước tìm về. Đường làng đã thông thoáng và trở nên xanh sạch hơn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bắt đầu nâng cấp để hút khách, trong khi các phương tiện ghe thuyền, thúng chai được sửa sang, sơn lại để chở khách tham quan rừng dừa nước, thả lưới bắt cá trên sông… Du lịch đã làm thay đổi đời sống người dân theo chiều hướng tốt dần lên trong những năm qua. Nhiều du khách thích thú khi hóa thân thành người bản địa làm ngư dân cất vó, bắt cá, đan lưới, làm nông dân để trồng đay, chặt dừa, trồng rau. Đặc biệt không thể bỏ qua làng chiếu Bàn Thạch.
Du lịch không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh du lịch tăng doanh thu, mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Rừng dừa ngập nước xanh mướt một khoảng trời. Bao bọc, len lỏi khắp các ngõ ngách sông nước. Hệ rừng dừa ngập nước Trà Nhiêu đủ làm nên một loại hình du lịch riêng biệt.
Bà Nguyễn Thị Chiểu (sinh năm 1962, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh) làm nghề chèo ghe thuyền nhỏ chở khách nói: “Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, tôi có thêm nhiều cơ hội đón khách. Chúng tôi trong đội chèo thúng đưa khách trải nghiệm rừng dừa và bủa lưới, có nhiều lúc khách rất đông. Có khách du lịch đến, người dân rất phấn khởi, có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày”.
Cảnh đẹp sông nước bình yên ở Trà NhiêuKhông chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và đời sống làng quê yên bình, Trà Nhiêu còn hiện lên trong mắt du khách như một bức tranh sống động của làng Việt xưa. Nhà nào cũng rợp bóng cau, hiền hòa, thân thiện, luôn sẵn sàng mở cửa chào đón người ghé thăm.
Lão nghệ nhân Trần Văn Hùng – người được xem là đầu mối kết nối du khách với Trà Nhiêu – hồ hởi kể rằng, để thu hút khách, ông đã chủ động liên hệ với các hướng dẫn viên du lịch, tích cực đưa hình ảnh làng quê lên mạng xã hội nhằm quảng bá. Nhờ vậy, khách tìm đến ngày càng đông. Hầu hết người dân tham gia làm du lịch đều rất vui và nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khắp nơi.
Không chỉ dừng lại ở việc đón khách, nghệ nhân Trần Văn Hùng còn sáng tạo một khu hàng quán dừng chân ngay tại làng, được thiết kế hoàn toàn bằng tre trúc và dừa nước – những vật liệu truyền thống, thân thiện với môi trường. Tại đây, du khách có thể thưởng thức các món đặc sản địa phương như mì Quảng, cơm gà, bánh cuốn…, đồng thời lựa chọn các sản phẩm lưu niệm thủ công như đèn ngủ, đèn lồng, bàn ghế làm từ tre do chính ông thiết kế và chế tác.
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm nghề dệt chiếu ở Trà Nhiêu
Từ những sợi đay Trà Nhiêu, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ đã làm thành những chiếc chiếu đầy màu sắcCác dịch vụ du lịch như cụm lưu trú homestay, tour du lịch khám phá sông nước, khu du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ dệt chiếu, đan lát, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng làng quê. Khi Trà Nhiêu “lên đời” làng du lịch sinh thái cộng đồng, ý thức người dân tại đây về việc gìn giữ cảnh quan đã nâng lên đáng kể. Từ chỗ bỡ ngỡ, các hộ dân đã bắt nhịp với sự hiện diện của khách Tây trong đời sống thường ngày. Du lịch đang giúp người dân làng Trà Nhiêu có thêm thu nhập, một số ngành nghề truyền thống được gìn giữ, khôi phục và phát huy.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, nhiều hộ trước đây khó khăn nay đã vươn lên khá giả. Trong làng có nhiều hộ làm du lịch, có thu nhập giải quyết được việc làm và kinh tế của họ khấm khá hơn. Chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực để du lịch cộng đồng để chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm. Hoạt động du lịch đã tạo đột phá về phát triển kinh tế. Địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch, đưa bà con tham quan, học hỏi ở các địa phương khác. Các mô hình du lịch này không chỉ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế mà gắn phát triển du lịch với văn hóa.