Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tìm về đất Tổ

PV - 19:21, 14/04/2019

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 01-10/3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 05-14/4 dương lịch) với sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh gồm: Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La.

Đoàn rước kiệu của thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trong lễ Giỗ Tổ. Ảnh TL Đoàn rước kiệu của thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trong lễ Giỗ Tổ. Ảnh TL

Xòe Thái, ví dặm, đờn ca tại lễ Giỗ Tổ

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2019, 3 tỉnh thành vinh dự được góp giỗ là Sơn La, Nghệ An và Cần Thơ. Theo đó, các tỉnh đã chọn lọc những nét văn hóa đặc sắc nhất dâng lên các Vua Hùng và hội ngộ cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ tự hào cho biết: “Chúng tôi thực sự rất háo hức khi được tham gia góp sức trong lễ Giỗ Tổ Vua Hùng. Do đó, ngay từ những ngày đầu tháng 4 năm nay, đêm nào Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ cũng rộn ràng tiếng nhạc, lời ca luyện tập cho ngày trọng đại”.

Ông Huỳnh Nhật Danh cho biết thêm: Đoàn nghệ sĩ đi Phú Thọ lần này có 41 người, đều là các nghệ sĩ, diễn viên gạo cội, có nhiều kinh nghiệm biểu diễn và được tập luyện kỹ nên khá an tâm. “Điều chúng tôi chú trọng cho chuyến đi nhiều ý nghĩa này là làm sao mang được nét đặc sắc của văn hóa Cần Thơ, văn hóa phương Nam ra đất Tổ ngàn năm”, ông Danh nói.

Đoàn nghệ sĩ của TP. Cần Thơ sẽ tham gia 3 chương trình chính: Lễ khai mạc, lễ hội đường phố cùng diễn ra vào mùng 8 tháng 3 âm lịch (tức 12/4 DL) và chương trình nghệ thuật vào đêm mùng 9 tháng 3 âm lịch (tức 13/4 DL). Theo đó, lễ hội đường phố sẽ bắt đầu từ chập tối mùng 8 tháng 3 âm lịch, Đoàn Cần Thơ tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên mảnh đất Chín Rồng.

Còn nhạc sĩ Trần Quốc Chung, Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, về góp giỗ trong lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Nghệ An mang đến nghệ thuật dân ca ví dặm đặc sắc với chủ đề “Tìm về đất Tổ”. Những bài dân ca ấy với các nội dung ca ngợi công lao của Vua Hùng, Bác Hồ kính yêu và những anh hùng qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam; ca ngợi quê hương, đất nước, con người Nghệ An và Phú Thọ.

Đến với lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Đoàn Sơn La đem đến tiết mục xòe Thái vô cùng hấp dẫn. Nghệ sĩ ưu tú Lò Văn Thọ, cán bộ Nhà hát ca múa nhạc Sơn La cho biết, năm nay, Đoàn đã tập luyện hơn 1 tháng trời với các điệu xòe Thái truyền thống để làm phong phú hơn lễ Giỗ Tổ. Nghệ sĩ Lò Văn Thọ hy vọng rằng, những điệu xòe Thái ấy là lòng thành kính dâng lên các Vua Hùng và giao lưu của người dân tộc Thái với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Người dân tham gia gói bánh chưng tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Người dân tham gia gói bánh chưng tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Lễ giỗ chung của toàn dân tộc

Cũng giống như trong truyền thống của mỗi gia đình, khi nhà có giỗ, mỗi người con đều cố gắng về để góp giỗ nhưng có những người ở xa không về được cũng sẽ làm mâm cơm dâng lên tổ tiên.

Đối với Giỗ Tổ Vua Hùng cũng vậy, do điều kiện ở xa, nhiều người không về được với Đền Hùng cũng tổ chức Lễ Giỗ trên chính mảnh đất của mình sinh sống. Tại tỉnh Đăk Lăk, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 10/3, bà con lại cùng nhau tập trung về khu di tích lịch sử Đình Lạc Giao, TP. Buôn Ma Thuột để tham dự lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.

Không chỉ có người dân ở trong nước mà Kiểu bào ta ở nước ngoài những ngày này cũng long trọng tổ chức ngày Giỗ Tổ để nhớ về nguồn cội. Ngay từ ngày Chủ Nhật 7/4 (3/3) âm lịch, đông đảo bà con kiều bào tỉnh Udonthani và các tỉnh lân cận vùng Đông Bắc Thái Lan đã dâng nén tâm hương hướng về Tổ tiên nguồn cội nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu năm 2019 do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Hội người Việt tỉnh Udonthani tổ chức.

Tại buổi lễ, bức tượng Vua Hùng đã được trao cho Hội Người Việt Nam tỉnh Udonthani để các nhà sư tiến hành nghi lễ hô thần nhập tượng theo đúng phong tục truyền thống. Trong không khí trang nghiêm, hơn 200 bà con kiều bào và đại biểu cùng nhau thành kính tri ân công ơn các vị Vua Hùng đã có công khai phá, dựng xây non sông Việt Nam.

Nói về vấn đề góp giỗ trong Giỗ Tổ, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, việc góp Giỗ Tổ ngày 10/3 không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn gắn liền với vận mệnh dân tộc.

Tiến sĩ Sơn lý giải, người Việt Nam có truyền thống gia đình thờ tổ tiên, làng xóm thờ thành hoàng làng, còn đất nước thờ người khai sinh đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương bắt nguồn từ đạo lý uống nước nhớ nguồn. “Nhưng ý nghĩa sâu xa nhất là tinh thần yêu nước, muốn có một biểu tượng của cả nước. Hùng Vương chính là biểu tượng của cả nước, ông Tổ của cả nước để tập hợp và đoàn kết người dân, để tất cả chung là người Việt. Đoàn kết các dân tộc lại. Đó là ý nghĩa lớn nhất”.

HIẾU ANH