Góp phần giảm tỷ lệhộ nghèo
Gia đình bà Ly Thị Sâu, dân tộc Mông ở thôn Cẩu Pì Chải, xã Thào Chư Phìn (huyện Si Ma Cai) là một trong những điển hình về việc thoát nghèo. Để có vốn làm ăn, bà chủ động tìm hiểu và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi. Theo đó, gia đình bà được vay 30 triệu đồng để đầu tư sửa chữa chuồng trại, mua giống, thực hiện chăn nuôi lợn đen bản địa. Qua 3 năm tập trung chăn nuôi, gia đình bà đã có thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm từ nuôi lợn.
Thoát nghèo và trở thành hộ khá của xã, gia đình bà đã hoàn trả toàn bộ số tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đúng hạn. Năm 2018, gia đình bà tiếp tục vay 50 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và 20 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư nuôi lợn. Hiện nay, gia đình luôn duy trì trên 20 con lợn đen sinh sản trong chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định và trở thành một trong những hộ gia đình làm ăn kinh tế giỏi của xã.
Hộ ông Ly Seo Ly, dân tộc Mông, ở cùng thôn thì lại lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, sau hoàn trả NHCSXH số tiền 30 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo, ông tiếp tục vay vốn chương trình hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để thực hiện phương án chăn nuôi trâu sinh sản. Từ số tiền được vay, ông mua thêm 2 con trâu cái, bổ sung đàn trâu 3 con hiện có. Nhờ tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn trâu, đến nay, đàn trâu của ông đã phát triển lên 14 con, giá trị trên 400 triệu đồng, mang lại thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/người/năm.
Đó chỉ là 2 trong số 414 hộ ở xã Thào Chư Phìn (chiếm hơn 80,86% số hộ của xã) được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ, với tổng dư nợ đến hết tháng 5/2019 là hơn 20,2 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp các hộ vay cải thiện được kinh tế gia đình, phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào việc giảm hộ nghèo của xã là trên 67% năm 2015 xuống còn 36,7% năm 2018.
Thúc đẩy địa phương phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, năm 2015, khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tổng dư nợ vốn vay chính sách trên địa bàn huyện Si Ma Cai chỉ hơn 121 tỷ đồng, thì đến hết tháng 5/2019 đã lên 206 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi, trong đó ngân sách của huyện cũng ủy thác qua ngân hàng 27.358 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ chính sách vay.
Đặc biệt, số lượng và chất lượng tín dụng chính sách nâng lên, người dân được tiếp cận vốn đầy đủ hơn, sử dụng vốn phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả và có ý thức trả nợ để quay vòng vốn, toàn huyện không còn nợ quá hạn. Nhờ đó, 5 năm qua, huyện Si Ma Cai giảm được 34,05% hộ nghèo (năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 57,01%, đến nay chỉ còn 22,96%); thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng lên 25,2 triệu đồng/người/năm. Huyện có 12/13 xã thuộc vùng khó khăn, nhưng đến nay đã có 5 xã đạt chuẩn NTM và 8 xã đạt trên 7 tiêu chí về NTM.
Ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.
Bên cạnh đó, các cơ quan đoàn thể, hệ thống chính trị toàn tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội về nguồn vốn, kiện toàn Ban đại diện hội đồng quản trị; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, cơ sở trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
PHƯƠNG LINH