Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tín hiệu vui cho ngành cá tra

PV - 13:13, 20/02/2019

Giá cá tra giống, cá nguyên liệu, giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao; cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều có lãi, đây là tín hiệu vui đối với ngành cá tra của Việt Nam đầu năm 2019…

Được giá

Với mức 35.000 đến 36.000 đồng/kg, năm 2018 giá cá tra Việt Nam lập kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Đây là tin vui do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường thông tin tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra Việt Nam năm 2019 diễn ra tại tỉnh An Giang ngày 18/2.

Báo cáo năm 2018 của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2018, ngành cá tra Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Thuế chống bán phá giá POR 13 cao kỷ lục; Chương trình thanh tra cá da trơn Hoa Kỳ bước vào giai đoạn quan trọng, quyết định kết quả công nhận tương đương; nhiều thị trường như EU, Ả rập Xê út tiếp tục giảm sút hoặc dừng nhập khẩu do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi...

Tuy nhiên, bằng những nỗ lực vượt bậc, kết hợp với việc tận dụng tối đa các cơ hội hiện có, ngành cá tra đang có nhiều thay đổi tích cực. Diện tích nuôi cá giống và cá thương phẩm đều tăng so với năm 2017; diện tích nuôi được chứng nhận GAP và VietGAP đạt trên 5.600ha. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ đôla (tăng 26,5% so năm 2017). Đặc biệt, giá cá tra đã lập kỷ lục so với nhiều năm gần đây khi đạt mức 35-36.000 đồng/kg, người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều có lãi.

Thu hoạch cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thu hoạch cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh khai thác thị trường nội

Để ngành cá tra phát triển ổn định thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là công tác kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và chất lượng sản phẩm.

Theo dõi sát diễn biến thời tiết khí hậu để kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn…

Đánh giá về tình hình cá tra trong năm qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, “Với quy mô dân số gần 100 triệu dân và khoảng 20-25 triệu khách du lịch mỗi năm, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với ngành hàng cá tra thời gian qua chúng ta còn bỏ ngỏ”.

Theo nhận định từ các chuyên gia, thời gian qua chúng ta tập trung phát triển xuất khẩu cá tra đi các nước trong khu vực, nhưng thị trường trong nước lại bị xem nhẹ, trong khi đây lại là nơi sản sinh ra con cá tra và quyết định đến số lượng và chất lượng của con cá da trơn này.

Ứng dụng công nghệ mới…

Năm 2018, An Giang là đơn vị chủ trì thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao. Điểm nhấn của ngành cá tra ở An Giang chính là việc thực hiện dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao (sục khí nano và chất xúc tác bakture của Nhật Bản) tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú và phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên với quy mô 600ha; ước tính mỗi năm doanh nghiệp sẽ sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao và 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Theo ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt chủ Dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao, qua Dự án này, Nam Việt sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu; qua đó gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm phi lê của công ty tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Ngoài ra, Dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu về lợi nhuận nhiều hơn…

Mới đây sau chuyến khảo sát về dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao tại An Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, An Giang cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra ứng dụng tiến bộ khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình ươm tạo giống cá tra; đầu tư công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra…

N.TÂM

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.