Tại Lào Cai, bất chấp mưa phùn nhẹ và sương mù, các điểm du lịch vẫn thu hút lớn lượng khách trong nam, ngoài bắc tới nghỉ dưỡng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, tỷ lệ đặt phòng hiện tại ở các khu, điểm du lịch của Lào Cai và đặc biệt tại Sa Pa đã đạt khoảng 90% công suất. Trong đó, phân khúc cao cấp (từ 3 sao trở lên) đạt 100% trong các ngày mùng 2-4 Tết (tức các ngày 2-4/2/2022); các phân khúc còn lại đạt trên 70%.
Trong 4 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1 đến 3/2/2022), khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 20.000 lượt khách và sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tiếp theo. Ước tính, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Lào Cai dự kiến đón trên 70 nghìn lượt khách, tăng khoảng 25.000 lượt khách so với dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tại Hà Giang, nhiều du khách đã trực tiếp hoặc thông qua các công ty du lịch để đăng ký với các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) để nghỉ dưỡng, du xuân.
Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village thông tin nhanh, lượng khách đặt phòng trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 5 Tết đạt trên 50%, còn lại trong hai ngày từ mùng 6 đến mùng 7 Tết đã kín phòng.
Làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải nằm dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú cũng là điểm đến được nhiều du khách chọn trong dịp đầu Xuân năm mới.
Tại Mộc Châu (Sơn La), trong 4 ngày (từ ngày 1 đến mồng 4) Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, địa phương đã đón gần 6.000 lượt khách du lịch. Riêng ngày mồng 4 Tết, lượng khách đến Mộc Châu tăng mạnh với khoảng 4.000 người.
Nhiều khu, điểm du lịch của Mộc Châu thu hút lượng khách du lịch lớn, như: Khu du lịch sinh thái Thác Dải Yếm; Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp rừng thông bản Áng, đồi chè trái tim, các bản du lịch cộng đồng, homestay, tham quan, trải nghiệm vườn hoa mơ, hoa mận, hoa cải, hái dâu tây…
Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Sơn La, tổng lượt khách du lịch đến địa phương trong 3 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ước đạt 11.700 lượt. Doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 11 tỷ đồng.
Tại Ninh Bình, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 28 đến mùng 4 Tết Nhâm Dần), các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón gần 8,5 vạn lượt khách du lịch, tăng 35,52% so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021.
Một số khu, điểm du lịch thu hút đông du khách tới tham quan như: Khu di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vườn chim Thung Nham, hang Múa, vườn quốc gia Cúc Phương…
Để chuẩn bị chu đáo về mọi mặt đón khách du lịch trong dịp tết Nguyên đán năm nay, các điểm du lịch cũng như các khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều chú trọng đến việc trang trí, dành không gian để du khách có một khung cảnh đẹp chụp ảnh, ghi lại kỉ niệm cùng gia đình, bạn bè…
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi cũng như không ngừng nâng cấp trang thiết bị, mở rộng các khu vui chơi, đưa các dịch vụ mới vào phục vụ trong dịp Tết, tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch tại địa phương, thu hút đông đảo lượng khách du lịch.
Đặc biệt, năm nay một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác sử dụng như: Khu du lịch sinh thái Tràng An đưa vào khai thác đường hầm chui nhằm thuận lợi cho du khách di chuyển, tham quan du lịch; khu du lịch Tam Cốc – Bích Động bổ sung các tuyến leo núi ngắm cảnh, check-in cho khách du lịch, tại hang Ba xây dựng khu dịch vụ vui chơi, ngắm cảnh, chụp ảnh cho khách du lịch; tại thành phố Ninh Bình, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã đầu tư xây dựng mô phỏng khu phố cổ Hoa Lư; Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức các chương trình du lịch xanh, du lịch trải nghiệm thả động vật về rừng... để thu hút khách du lịch.
Tại Thừa Thiên- Huế, từ ngày 29/1 đến 3/2/2022 (tức từ ngày 27/12 Âm lịch năm 2021 đến mồng 3 Tết Nhâm Dần 2022), tỉnh đã đón khoảng 47.000 lượt khách du lịch đến địa phương; trong đó, có 330 khách quốc tế là các chuyên gia, cán bộ và gia đình của một số đoàn ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Riêng trong ngày mồng 1 Tết, các điểm du lịch di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh đã đón khoảng 9.000 khách, mồng 2 đón khoảng 16.000 khách và mồng 3 đón khoảng 17.000 khách.
Một số điểm du lịch thu hút đông du khách tới tham quan là Đại Nội Huế; các Lăng vua: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định; các chùa: Thiên Mụ, Từ Hiếu, Từ Đàm; Đền Huyền Trân Công chúa...
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, một số công viên hai bờ sông Hương, tuyến đường Lê Huân, đường 23/8 ở Kinh thành Huế và các điểm tham quan thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, các điểm vui Xuân tại các địa phương trong tỉnh có tổ chức dựng các tiểu cảnh chủ đề của năm Nhâm Dần 2022 và tái hiện hoạt động lễ hội cung đình, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống có quy mô phù hợp phục vụ du khách và cộng đồng địa phương. Các hoạt động được tổ chức đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các điểm tham quan di tích văn hóa thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh được mở cửa phục vụ miễn vé khách du lịch và người dân địa phương trong ba ngày từ ngày 1- 3/2 (tức từ mồng 1 - 3 Tết).
Tại Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) những ngày đầu năm mới thời tiết se lạnh, có nắng nhẹ, thích hợp cho hoạt động tham quan và du xuân của du khách. Phố cổ đón khá đông lượng du khách đổ về tham quan phố cổ và đi chùa cầu an.
Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hội An cho biết, trong các ngày mùng 1, 2 có khoảng 5 nghìn du khách đến Hội An tham quan, thì từ mùng 3, 4, Thành phố đón khoảng 10 nghìn lượt khách mỗi ngày.
Lượng du khách đến Hội An trong dịp này đa số là người trong tỉnh, các địa phương lân cận. Ngoài ra, TP Hội An cũng đón một lượng du khách lớn từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội… đến du xuân theo tour của các công ty lữ hành và tự đi theo diện gia đình.
Dịp này, TP. Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động thường xuyên trong khu phố cổ để phục vụ du khách như chương trình Bài chòi Hội An; hoạt động hướng dẫn thăm quan các làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm Thanh Hà...
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động độc đáo khác cũng được diễn ra như "nguyện ước đầu năm", "áo dài xuống phố", "về phố hội du Xuân"...
Tại Đà Nẵng, thống kê của Sở Du lịch cho thấy, tổng lượng du khách đến tham quan, du lịch tại địa phương trong dịp Tết ước đạt 35.939 lượt, tăng 16,71% so với 2021, chủ yếu là khách nội địa (khách lưu trú 25.500 lượt) tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ven biển và tham quan các khu, điểm du lịch như: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, công viên nước Mikazuki, bán đảo Sơn Trà…
Thành phố cùng các đơn vị, khu, điểm du lịch đã tổ chức một số sự kiện, sản phẩm dịch vụ để phục vụ du khách như trang trí hoa và điện chiếu sáng, lắp đặt các mô hình check-in du lịch Đà Nẵng, triển lãm tranh dọc 2 bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng…thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và du khách.
Dịp đầu năm, các đơn vị tổ chức đón các đoàn khách tham dự sự kiện, hội nghị, tri ân, khách đi công tác ngắn ngày. Các đơn vị lữ hành chủ yếu xây dựng các tour nội vùng ngắn ngày giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế, tour đi về trong ngày tại các khách sạn, resort 5 sao có giá tốt và đang mở cửa tại Đà Nẵng, Hội An...
Tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 29/1-6/2) có khoảng 404 chuyến.
Tại Khánh Hòa, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán xuân Nhâm Dần (tính từ ngày 31/1 đến ngày 4/2), đã có khoảng 65.500 lượt du khách đến Khánh Hòa (chủ yếu là TP. Nha Trang) tham quan, nghỉ dưỡng.
Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 233 tỷ đồng. Theo dự đoán, lượng du khách đến Nha Trang - Khánh Hòa trong dịp này diễn ra cao điểm từ ngày mùng 3 đến mùng 6 Tết, tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ở khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh), khu nghỉ dưỡng trên đảo và khu vực ven biển thành phố Nha Trang, công suất buồng, phòng bình quân tại khách sạn và resort đạt khoảng 80%.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân Nhâm Dần 2022 của địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chủ động, sẵn sàng đón khách cùng với việc trang trí, tạo nhiều chương trình, sản phẩm thu hút khách du lịch.
Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng du khách nội địa vẫn đi du xuân trong dịp Tết Nguyên đán, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Tại An Giang, ngay từ ngày mùng 1 Tết (1/2), hàng nghìn lượt du khách khắp nơi đã đổ về khu du lịch quốc gia Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang. Các tuyến đường dẫn về khu du lịch này gần như đông nghẹt khách du xuân.
Qua thống kê nhanh, lượng khách tham quan tại các khu du lịch tỉnh từ ngày 30-1 (28 Tết) đến ngày 3-2 (mùng 3 Tết) ước đạt 316.000 lượt khách, tăng 58% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
Nguồn thu từ vé tham quan và kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống tại các địa điểm ước đạt trên 20 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tại các khách sạn ước đạt 4.189 lượt khách (tăng 99% so với cùng kỳ năm 2021). Nhìn chung, lượt khách lưu trú tập trung đông tại các khách sạn trên địa bàn TP Châu Đốc và TP Long Xuyên, công suất phòng ước đạt 60%.
Đặc biệt, tại Phú Quốc, từ trước Tết, khảo sát của hãng đặt phòng trực tuyến Agoda cho biết, “đảo ngọc” là điểm đến được yêu thích nhất trong cả nước dịp Tết nguyên đán này.
Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, từ 29/1 (27 Tết) đến 4/2 (mùng 4 Tết), tổng lượng khách đến Kiên Giang là 82.000 lượt. Trong đó TP Phú Quốc đón khoảng 66.990 lượt, gồm 2.727 lượt khách quốc tế. Từ 27 đến 31/1, thành phố đảo có hơn 40 chuyến bay mỗi ngày, còn từ ngày 1 đến 3/2 khoảng 60 chuyến bay mỗi ngày, ngày mùng 4 là hơn 50 chuyến. Ngoài ra, khách du lịch còn đi bằng đường biển. Sở Du lịch Kiên Giang, dự kiến 9 ngày Tết, Phú Quốc đón hơn 80.000 lượt khách.