Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Tin vui đến tận bản làng

Thanh Huyền - 09:51, 24/06/2020

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa khép lại, để lại nhiều dấu ấn đổi mới trong công tác tổ chức, công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thể hiện quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Đón nhận tin vui này, các cấp, các ngành và đồng bào DTTS khắp mọi miền đất nước vui mừng, phấn khởi và kỳ vọng về sự đổi thay vượt bậc trong đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) thời gian tới.

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản những khó khăn của vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Người dân Hoàng Su Phì đưa công nghệ tưới nước mới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp).
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản những khó khăn của vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Người dân Hoàng Su Phì đưa công nghệ tưới nước mới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp).

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (ngày 19/6) vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với 100% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành. Có thể nói, đây là con số kỷ lục, một Nghị quyết nhận được số phiếu tuyệt đối của các ĐBQH tham gia biểu quyết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.

Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ, mục tiêu của Chương trình thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK. Đây sẽ là “đòn bẩy”, tạo cơ hội lớn cho những vùng khó khăn nhất cả nước có điều kiện vươn lên.

Trên nhiều bản làng vùng cao gian khó, đồng bào DTTS dõi theo chương trình Quốc hội, nhiều người vỡ òa cảm xúc khi Quốc hội bấm nút thông qua Chương trình MTQG. Bà Mông Thị Sen, dân tộc Nùng, thôn Bình Độ, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) chia sẻ; “Khi Quốc hội bấm nút thông qua Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đồng bào DTTS phấn khởi, vui mừng lắm. Chúng tôi mong muốn bản làng mình, đồng bào mình và những vùng khó khăn khác có thêm điều kiện vươn lên, cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn, vất vả”.

Các cấp, các ngành, địa phương đều bày tỏ sự vui mừng khi Chương trình MTQG được thông qua. Chúng tôi đã có dịp phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về Chương trình MTQG. Lãnh đạo các bộ, ngành đều thể hiện sự quyết tâm; chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG, vì mục tiêu sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Quyết sách lớn đã có, quan trọng hơn hết là sự vào cuộc tham gia của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng xã hội để triển khai có hiệu quả Chương trình trong thực tiễn. Ông John McCullagh, Đại sứ Ai Len tại Việt Nam cho rằng: “Đến thời điểm hiện nay, rất vui mừng nhận thấy rằng các điều kiện cần đang có. Điều quan trọng nhất là hiệu quả triển khai Chương trình MTQG trong thực tế. Điều này cần sự phối hợp, vào cuộc với nỗ lực rất lớn của nhiều bên liên quan…”.