Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Tĩnh Gia (Thanh Hóa): Bất thường trong việc thu hồi đất

PV - 14:41, 02/04/2019

Đang sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bình thường, bỗng nhiên một hộ dân ở thôn 8, xã Xuân Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nhận được giấy mời lên UBND xã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất cho xã thực hiện dự án xây dựng khu dân cư. Người dân khiếu nại lên xã thì xã bảo chờ huyện, kêu cứu huyện thì lại bị đẩy về xã…

Diện tích đất của gia đình bà Nguyễn Thị Vân bị thu hồi rất mập mờ. Diện tích đất của gia đình bà Nguyễn Thị Vân bị thu hồi rất mập mờ.

Bỗng dưng mất đất sản xuất!

Trong đơn khiếu nại gửi Báo Dân tộc và Phát triển, bà Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1952), ở thôn 8, xã Xuân Lâm phản ánh: Năm 2009, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, gia đình bà Vân đã thống nhất đổi đất nông nghiệp cho một số hộ dân trong thôn để thuận tiện canh tác. Cụ thể, bà đổi thửa cho 4 hộ (gồm ông bà: Nguyễn Thị Đối, Nguyễn Hữu Chinh, Nguyễn Thị Vấn, Lại Thị Thái); tổng diện tích 4 thửa bà đổi là 675m2 tại khu vực Sốc Tuy.

Việc đổi thửa này đã được Trưởng thôn 8 chứng nhận. Sau khi đổi thửa, gia đình bà Vân cũng như 4 hộ dân nêu trên đều canh tác bình thường.

Nhưng đến tháng 12/2016, gia đình bà Vân bất ngờ nhận được giấy mời của UBND xã Xuân Lâm lên trụ sở nhận tiền bồi thường đất, để chính quyền giải phóng mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp của bà. Sau khi tìm hiểu, gia đình bà Vân biết được, một phần diện tích đất canh tác của bà đã đổi cho 4 hộ ở khu vực Sốc Tuy đã được UBND xã Xuân Lâm phân lô, đồng thời thuê đơn vị đấu giá về tổ chức bán đấu giá.

Quá bất ngờ trước sự việc này, gia đình bà Vân đã đến gặp lãnh đạo xã Xuân Lâm để chất vấn. Sau nhiều lần đề nghị, gia đình bà Vân mới được ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, trao Quyết định số 2809/QĐ-UBND, ngày 10/9/2015 của UBND huyện Tĩnh Gia. Quyết định này do Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký, trong đó nêu rõ việc thu hồi 251,7m2 đất của gia đình bà Vân.

“Từ tháng 12/2016 đến nay, UBND xã liên tục gửi giấy mời cho gia đình tôi lên xã để giải quyết việc đã thu hồi đất nông nghiệp của gia đình tôi. Chủ tịch UBND xã đưa ra mức đền bù cho gia đình tôi là 125 triệu đồng. Nhưng tôi không đồng ý vì thấy cách làm thiếu minh bạch”, bà Vân nói.

Bán đất trước, đền bù sau?

Trước những thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã về xã Xuân Lâm để xác minh. Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 18/3/2019, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm phủ nhận một số nội dung phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị Vân.

Ông Bình khẳng định, xã đã thực hiện thông báo cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để triển khai dự án trên hệ thống loa truyền thanh của xã và đăng thông tin trên Báo Thanh Hóa theo đúng quy định. Ông Bình cũng cho rằng, việc thu hồi đất là do UBND huyện, chứ UBND xã Xuân Lâm không có thẩm quyền.

Nhưng Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm thừa nhận, xã cũng có thiếu sót khi chưa thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng, mà đã mời đơn vị đấu giá vào tiến hành phân lô, đấu giá đất ở khu vực Sốc Tuy. Cùng với gia đình bà Nguyễn Thị Vân thì khu vực này còn có 10 hộ khác cũng bị thu hồi đất, nhưng chưa nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Tổng diện tích đất thu hồi tại khu vực Sốc Tuy theo Quyết định 2809/QĐ-UBND của UBND huyện Tĩnh Gia là hơn 2.312m2 của 11 hộ dân, trong đó có gia đình bà Vân. Nhưng trước đó, các hộ dân có đất bị thu hồi đã ký cam kết với xã là khi xã đấu giá đất xong sẽ nhận tiền đền bù”, ông Bình cho biết.

Thiếu sót này đã được ông Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm xác nhận với phóng viên. Nhưng ông này lại “đổ lỗi” cho UBND huyện Tĩnh Gia khi nói: “Xã đã xin ý kiến UBND huyện làm theo phương án đó (tức là bán đấu giá trước, đền bù giải phóng mặt bằng sau-Pv). UBND huyện cũng đồng ý cách làm này, nên chúng tôi mới thực hiện như vậy”.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, quyết định thu hồi đất là của huyện. Nhưng sau Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm “tưởng dễ” nên xin để cho xã giải quyết. Nhưng sau này do vướng mắc không thỏa thuận được với dân, nên xã mới lên báo cáo huyện, huyện cũng đã nhiều lần mời dân lên giảng hòa nhưng đến nay vẫn chưa thành.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này để thông tin đến bạn đọc.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!