Cùng với sự hiện diện của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành…là sự có mặt của hàng trăm nghệ nhân chuyên và không chuyên đến từ các tỉnh thành phố; hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế cùng đông đảo Nhân dân tỉnh Tuyên Quang…ở sân khấu quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuyên Quang, dưới chân tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” để tham dự sự kiện ý nghĩa-ngày hội lớn trên quê hương cách mạng.
Đến từ tỉnh Sơn La, diễn viên không chuyên của đội văn nghệ thôn bản-chị Quàng Thị Hường, dân tộc Thái, bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi đến Tuyên Quang và tham gia biểu diễn múa xòe. Tôi rất vui khi được tham gia sự kiện ý nghĩa này. Đến đây, bản sắc văn hóa các dân tộc đã cùng nhau hội tụ và lan tỏa”.
Cảm nhận của chị Hường, cũng là cảm nhận chung của nhiều diễn viên, nghệ nhân dân gian, người dân và du khách khi được hòa mình vào “đại tiệc” của âm thanh, ánh sáng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến với Liên hoan, người dân và du khách đã có dịp được chứng kiến sự thăng hoa cảm xúc của hơn 700 nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng biểu diễn 12 di sản văn hóa đã được ghi danh. Từ Chầu Văn (Nam Định), hát Trống quân (Hưng Yên), múa Bồng (Hà Nội), hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa)…đến múa trống Chhay - dăm (Tây Ninh), ca Huế (Thừa Thiên Huế), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông) và đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang với hát Then của dân tộc Tày, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao…Mỗi tiết mục đều mang đến những dấu ấn riêng, cùng tổng hòa vào bức tranh đa sắc màu văn hóa.
Liên hoan năm nay được tổ chức cùng Lễ hội Thành tuyên-một lễ hội đặc sắc riêng có, thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của các cấp Ủy đảng, chính quyền và Nhân dân đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng mỗi dịp Tết Trung thu. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo do chính Nhân dân Tuyên Quang kiến tạo từ nhiều năm nay và ngày càng được phát huy. Tham gia Lễ hội, chúng ta như được hòa mình vào không gian lung linh sắc màu trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng, những vũ điệu dân gian và đặc biệt là được chiêm ngưỡng các xe mô hình đèn Trung thu khổng lồ muôn màu sắc, mô phỏng các nhân vật trong các chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn, phản ánh đời sống, nét văn hóa, danh lam thắng cảnh và tình yêu quê hương đất nước.
“Chúng tôi hy vọng rằng, những ngày diễn ra sự kiện văn hóa sẽ để lại trong lòng quý vị đại biểu, du khách những kỷ niệm khó quên về miền đất, con người Tuyên Quang xinh đẹp, thân thiện, mến khách; các đoàn nghệ nhân, diễn viên các tỉnh, thành phố có dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết nhằm thực hiện tốt hơn việc giữ gìn và quảng bá giá trị các di sản văn hóa tới bạn bè trong nước và quốc tế”. Ông Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBDN tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức sự kiện văn hóa này, góp phần đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
“Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa, góp phần giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về giá trị di sản đặc sắc của dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc dân tộc. Đồng thời đây cũng là dịp đặc biệt để giới thiệu với Nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của vùng quê hương cách mạng Tuyên Quang”. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định.
Thông qua sự kiện này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Đề cao và phát huy tối đa vai trò của các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Nghiên cứu xây dựng một chương trình hành động chung của các địa phương, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa bảo tổn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức để mọi người dân tham gia phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc, quê hương mình…
Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên 2019, nhiều hoạt động khác cũng được diễn ra, như: trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa Phi vật thể lần thứ 2; trưng bày ẩm thực, sản phẩm du lịch; giới thiệu, bán các đặc sản tiêu biểu của các địa phương…
Có thể khẳng định, Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành tuyên 2019 là dịp quảng bá hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các địa phương trong cả nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng, đặc biệt là giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng, “Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến”.
Tham dự Lễ Khai mạc Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành tuyên 2019 có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm…
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và 11 tỉnh tham gia Liên hoan, đại biểu các đại sứ quán, cùng đông đảo nhân dân tỉnh Tuyên Quang và du khách trong nước, quốc tế.
THANH HUYỀN-HỒNG MINH