Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Tình hữu nghị Việt – Lào: Thấm đượm và lan tỏa

Bun Su Kha Lắc - 11:21, 04/12/2019

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước MeKong, hai dân tộc Việt Nam - Lào luôn thủy chung son sắt, kề vai sát cánh bên nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước. Từ Viêng Chăn đến Hà Nội - hơn một tiếng đồng hồ đường bay; từ Viêng Chăn đến Hà Nội - hai nền văn hóa khác nhau, xa lạ mà thân quen…

Giao lưu văn hóa Việt - Lào - Ảnh tư liệu
Giao lưu văn hóa Việt - Lào - Ảnh tư liệu

Tôi đã học tiếng Việt được gần 1 năm tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Hiện tôi đang là học viên cao học chuyên ngành Toán giải tích. Nhớ những ngày đầu, tôi như một đứa trẻ bỡ ngỡ giữa bao điều xa lạ, lúc mới sang Việt Nam, tôi phải vượt qua không ít khó khăn trong học tập, cũng như trong cuộc sống; đặc biệt là những trở ngại về ngôn ngữ. Vậy mà không biết từ lúc nào, tôi đã yêu tiếng Việt như máu thịt của mình:

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình…

(Lưu Quang Vũ)

Tìm hiểu về lịch sử, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tôi hiểu rõ hơn mối quan hệ đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào. Cả hai dân tộc đã cùng trải qua những đau thương, mất mát trong chiến tranh; đã từng làm nên huyền thoại đường mòn Trường Sơn lịch sử để tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Và cũng hiếm có quốc gia nào cử tới hàng chục nghìn chiến sĩ quân tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quốc gia láng giềng như Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã hi sinh xương máu để giúp đỡ nhân dân Lào. Đánh dấu một mốc son chói lọi trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Ðảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Lào đó là Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào năm 1962. Quan hệ đó một lần nữa lại được khẳng định bằng Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt – Lào năm 1977. Thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào, năm 1980 hai nước đã chính thức thành lập Ủy ban hợp tác Lào - Việt. Từ những người bạn chiến đấu chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cả hai dân tộc đã cùng nhau viết nên những bài ca đi cùng năm tháng như Cô gái Sầm Nưa, Anh tình nguyện với khúc hát Lăm tơi hay Hoa đẹp Chăm pa… Tình cảm và sự gắn bó ấy đã thấm đượm và lan tỏa tự nhiên giữa hai dân tộc.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực chính trị, mà còn được thúc đẩy trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Ai sang Lào cũng sẽ thấy Bảo tàng Chủ tịch Cay - xỏn Phôm - vi - hản, Trung tâm lưu trữ phim và hình ảnh động quốc gia Lào - chính là hai công trình văn hóa tiêu biểu cho sự giúp đỡ của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu có sự đầu tư kinh tế ở Lào. Chỉ riêng năm 2019, đã có hơn 400 dự án với tổng vốn đầu tư tới hơn 4 tỷ USD - một con số đầy ấn tượng. Hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho những mục tiêu mới, cùng nhau hội nhập và phát triển.

Sự hợp tác này đã luôn hiện diện trong hành trình lịch sử và chắc chắn sẽ được duy trì, cùng phát triển tiến bộ; mở ra những cơ hội và lợi ích cho hai quốc gia, tác động tích cực tới khu vực và thế giới.

Phát huy truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giữa hai nước đã có những mối quan hệ hợp tác, phát triển toàn diện trên mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Là một giáo viên Lào, khi đến học tập ở Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, tôi hiểu rõ đây chính là cơ sở giáo dục đại học đã đào tạo cho đất nước chúng tôi 10 giáo viên mầm non đầu tiên có trình độ đại học. Đặc biệt, trong những năm qua, vượt qua khoảng cách về không gian địa lý, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã cử các giảng viên sang giúp các trường sư phạm của Lào phát triển chương trình đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học. Tìm hiểu về nhà trường, tôi được biết, hiện nay, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là cơ sở giáo dục đại học rất có uy tín.

Được học tập ở Việt Nam trong môi trường giáo dục với thầy cô giáo giỏi, nhiệt tình tâm huyết, điều kiện học tập, nghiên cứu tốt, tôi đã được truyền thêm đam mê, nhiệt huyết. Đến Việt Nam học tập, tôi mong muốn được phát triển năng lực bản thân. Tôi khát khao khám phá, kiếm tìm những giá trị tri thức và những giá trị nhân văn. Tôi hy vọng sẽ được tiếp tục học cao hơn nữa ở Việt Nam.

Quan hệ hữu nghị thủy chung gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi đất nước. Thế hệ chúng tôi là những người được thừa hưởng thành quả của mối quan hệ tốt đẹp này, nguyện sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này góp sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của Lào, góp phần bồi đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai nước anh em như Chủ tịch Cay - xỏn Phôm - vi - hản đã từng khẳng định: “Núi có thể mòn. Sông có thể cạn. Song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”…