Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tình trạng sụt lún, sạt lở đất diễn biến phức tạp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ vỡ hồ thủy lợi

Lê Hường - 17:04, 07/08/2023

Ngày 7/8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra một số điểm sụp lún, sạt lở đất vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây để xác định nguyên nhân và tìm hướng khắc phục, trong đó có Hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.

Cảnh báo nguy cơ vỡ đập thủy lợi Đắk N’Ting huyện Đắk G’long
Cảnh báo nguy cơ vỡ đập thủy lợi Đắk N’Ting huyện Đắk G’long

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28/7 - 6/8, trên địa bàn tỉnh liên tục mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối, hồ đập dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt lở đất tại một số khu vực. Điển hình là Hồ thủy lợi Đắk N’Ting (huyện Đắk Glong), tại Quốc lộ 14 (đoạn qua Tp.Gia Nghĩa) và khu vực Bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).

Tại Hồ chứa nước Đắk N’Ting, cung trượt lớn kéo dài khoảng 400 m, cao khoảng 30 m từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập. Cung trượt này gây áp lực đất bên phía đồi làm dịch chuyển bề mặt cầu giao thông qua tràn theo phương ngang. Số liệu quan trắc cho thấy, vai trái tràn xả lũ đẩy nổi lên khoảng 10 cm, mặt cầu bị dịch chuyển về phía đập đất khoảng 50 cm, làm nứt gãy bê tông mái thượng, hạ lưu tràn, bản quá độ đã bị biến dạng hơn.

Ngoài ra, mái bê tông thượng lưu đập đất tiếp giáp tràn có hiện tượng nứt gãy, chia cắt, vết nứt kéo dài từ chân đập lên đỉnh khoảng 25 m, chiều rộng vết nứt có chỗ lên tới 3 cm. Địa phương đã di dời hơn 174 hộ dân đến nơi an toàn.

Ban Quản lý dự án (QLDA) cho biết, hiện đơn vị vẫn tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan theo dõi 24/24h về diễn biến thời tiết, tình hình sạt trượt phía đồi bên vai phải tràn xả lũ. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật, tư vấn thiết kế thường xuyên thực hiện công tác quan trắc chuyển vị, quan trắc mực nước thấm qua thân đập.

Mặt đường thân hồ thủy lợi đoạn tiếp giáp cầu có nhiều vết nứt gãy
Mặt đường thân hồ thủy lợi đoạn tiếp giáp cầu có nhiều vết nứt gãy

Hiện tượng sạt trượt vẫn diễn biến phức tạp và tác động cụ thể đến công trình. Qua kiểm tra vào lúc 13h ngày 6/8, khối trượt tiếp tục di chuyển xuống phía công trình làm mở rộng các vết nứt cũ, có vết nứt rộng đến 30 cm. Độ sụt đất tại một số vị trí đến 60 cm. Tại những vị trí có nước ngầm vẫn chảy ra mạnh và chưa có dấu hiệu suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng tốc độ sạt trượt đất bên đồi.

Tại những vị trí công trình đã bị đẩy nghiêng lệch, Ban QLDA tiếp tục tổ chức quan trắc số liệu, kể từ khi xảy ra hiện tượng sạt trượt (từ ngày 1/8), tràn xả lũ đã dịch chuyển về phía đập đất khoảng 63cm.

Như vậy, việc tràn xả lũ chuyển vị sang phương ngang sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp ổn định tại phạm vi tiếp giáp giữa tràn, đập đất và sau đó là cả công trình. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, nguy cơ vỡ đập rất cao.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho người dân tại hạ lưu công trình, Ban QLDA đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Ban QLDA cùng các đơn vị, Sở ngành có liên quan thống nhất giải pháp xử lý sạt trượt. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Đắk Glong, UBND xã Quang Sơn chủ động, xây dựng kế hoạch thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp số 3 đối với vùng hạ du công trình Hồ chứa nước Đắk N’Ting.