Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi mùa mưa bão: Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Hoàng Quý - 10:27, 21/07/2020

Những năm gần đây, các sự cố vỡ đập thường xuyên xảy ra khiến người dân không khỏi lo lắng. Mùa mưa bão năm nay đang đến gần, hiện tại, cơ quan chức năng và các địa phương đang ráo riết hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn hồ đập, chủ động ứng phó mùa mưa lũ năm 2020.

Đập Bara Đô Lương (Nghệ An) bị vỡ hồi tháng 6 vừa qua.
Đập Bara Đô Lương (Nghệ An) bị vỡ hồi tháng 6 vừa qua.

Gần đây, chúng ta liên tục chứng kiến 2 sự cố vỡ đập ở Phú Thọ và Nghệ An. Cụ thể, ngày 28/5, sự cố vỡ đập hồ Đầm Thìn, ở xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) làm nhiều diện tích trồng lúa, ao nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 6/6, lại tiếp tục xảy ra sự cố vỡ đập tràn Bara Đô Lương (Nghệ An) khiến cho gần 8 nghìn hộ dân ở 7 xã và thị trấn Đô Lương thiếu nước sạch để sinh hoạt và sản xuất.

Có thể nói, sự cố vỡ đập tại Phú Thọ và Nghệ An là hồi chuông cảnh báo về việc mất an toàn hồ đập mà chúng ta đang gặp phải, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, hồ đập là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, phải được triển khai thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, bởi nếu xảy ra sự cố vỡ đập sẽ gây ra hậu quả thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa thủy lợi, tập trung trong 3 năm: Năm 2017 (23 hồ), năm 2018 (12 hồ), năm 2019 (11 hồ). Cả nước hiện có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, trong đó có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, trong điều kiện thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp. Tại các huyện, xã, nhiều nơi chưa thành lập được các tổ chức quản lý, vận hành chuyên nghiệp và không bảo đảm năng lực chuyên môn dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, khi xảy ra sự cố không được xử lý kịp thời…

Cùng chất lượng của hệ thống hồ đập xuống cấp, thời gian gần đây, biến đổi khí hậu gây ra mưa, lũ cực đoan, bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020, với khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều vào những tháng cuối năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong bối cảnh nước ta đang bước vào mưa lũ và diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan, các địa phương cần thường xuyên tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng an toàn hồ đập, từ đó xác định các công trình, hạng mục xuống cấp, chủ động bố trí kinh phí sửa chữa ngay hồ, đập để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn đập. Đối với những công trình xuống cấp thì đẩy nhanh tiến độ tu sửa nhằm bảo đảm chất lượng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ cấp bách để sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho nhiều địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi…

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Chiều 12/5, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, đám cháy xảy ra tại khu vực đất mỏ than bùn do Nhà nước quản lý, sau đó cháy lan sang Khu bảo tồn Loài sinh cảnh Phú Mỹ làm thiệt hại hơn 10 ha cây rừng tái sinh. Tính đến cuối giờ chiều 12/5, đám cháy đã được khống chế và được các lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt phần cháy ngầm, không cho bùng phát trở lại.