Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tình trạng tảo hôn ở Lào Cai: “Đường mòn trong bản đi mãi thành quen”?

PV - 08:39, 19/04/2018

Là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, đặc biệt hai năm trở lại đây tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai có xu hướng gia tăng trở lại. Số vụ tảo hôn tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông (trên 70%) ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sa Pa và Bát Xát.

Lâu nay, đồng bào Mông ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn vẫn có quan niệm: Khi con cái trưởng thành, phải kết hôn với anh em cùng dòng tộc thì mới thương nhau. Với lối suy nghĩ đó, nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở đây diễn ra rất phổ biến.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những biện pháp đẩy lùi nạn tảo hôn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những biện pháp đẩy lùi nạn tảo hôn.

 

Mặc dù, huyện Văn Bàn đã có nhiều cố gắng trong hoạt động tuyên truyền nhưng thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Cán bộ tư pháp xã Nậm Xé, anh Lý Văn Tim bộc bạch: Bản thân tôi đã trực tiếp đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, phân tích để bà con thấy được hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhưng thực tế bà con vẫn làm theo “truyền thống”, giống như “đường mòn trong bản đi mãi đã thành quen”...

Tại huyện Sa Pa, từ năm 2012-2017, toàn huyện có 200 vụ tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các xã có đông đồng bào DTTS. Nhiều đôi vợ chồng “nhí” chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá trẻ, nhiều trường hợp dẫn đến ly hôn; trẻ em sinh ra từ các đôi vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường ốm yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, mắc các dị tật…

Khảo sát mới đây tại 19 xã của các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa và Bát Xát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã thu thập được thông tin của 136 cặp nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng. Trong đó: có 80/136 trường hợp nữ có độ tuổi từ 12-17 tuổi; 09 trường hợp độ tuổi từ 14; 14 trường hợp tuổi 15; 24 trường hợp tuổi 16; còn lại 27 trường hợp trong độ tuổi 17). 56 trường hợp nam có độ tuổi từ 15-19 tuổi.

Tảo hôn xảy ra nhiều ở xã La Pán Tẩn, Dìn Chin (huyện Mường Khương), xã Bản Già, Tả Van Chư và Bảo Nhai (huyện Bắc Hà)... Hầu hết các cháu nữ mới chỉ ở độ tuổi 15-16 đã được gả về nhà chồng, sinh con được 1-2 tuổi mới đủ tuổi ra UBND xã đăng ký kết hôn. Đáng buồn nhất là trường hợp của cháu S.T.V ở thôn Ý Lình Hồ, xã San Xả Hồ (huyện Sa Pa), vẫn đang là học sinh, lỡ mang thai nên đã phải bỏ học về lấy chồng khi mới 12 tuổi.

Tại một Hội thảo về tảo hôn do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức mới đây, bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát chia sẻ: Vấn đề tảo hôn trên địa bàn huyện đang là thách thức rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch giảm thiểu tảo hôn theo giai đoạn cũng như kế hoạch thực hiện hằng năm. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát để đánh giá đúng thực trạng, đồng thời tổ chức thực hiện mô hình giảm thiểu tảo hôn tại các xã trọng điểm.

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025”, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Mục tiêu của Lào Cai là phấn đấu đến năm 2020 các huyện trong tỉnh giảm từ 70%-80%/năm số lượng người tảo hôn. Phấn đấu giảm từ 70-80% đối với nhóm dân tộc Mông, Dao; từ 85-90% đối với nhóm dân tộc Tày, Nùng, Giáy, Phù Lá và 100% các dân tộc khác. Đến năm 2025 căn bản chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Theo ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, để cụ thể hóa mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần hiểu sâu phong tục tập quán của từng dân tộc sinh sống trên địa bàn để có phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Tập trung tuyên truyền vào những đối tượng có nguy cơ cao, dễ dẫn đến việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Huy động những Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở… trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình...

Thống kê từ năm 2015 đến tháng 12/2017, toàn tỉnh Lào Cai có 1.828 trường hợp tảo hôn (nam từ 16-19 tuổi, nữ từ 14-17 tuổi, thậm chí có cả 13 tuổi), bình quân có 609 người tảo hôn/năm (tăng khoảng 100 người so với giai đoạn 2009-2013). Trong đó, nữ giới tảo hôn chiếm gần 70%. Riêng năm 2017, Lào Cai có 429 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tảo hôn gia tăng ngoài lý do phong tục, tập quán, còn do các cấp chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc xử lý, vận động, thuyết phục các cặp tảo hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.