Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tổ liên kết trồng chuối lùn ở Tà Rụt - Mô hình hay của phụ nữ DTTS

Phạm Tiến - 10:08, 22/09/2023

Tổ liên kết trồng chuối lùn của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Tà Rụt, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị được thành lập từ năm 2019. Sau 3 năm thực hiện với hình thức liên kết, đã giúp hàng chục chị em phụ nữ là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có việc làm, thu nhập ổn định. Đặc biệt khi có các chính sách “tiếp sức” hỗ trợ của Hội LHPN các cấp và Chương trình MTQG 1719, sản phẩm chuối lùn Tà Rụt đứng trước cơ hội phát triển, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.

Liên kết để phát triển

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất “thủ phủ” của cây chuối lùn, chị Hồ Thị Hằng tại xã Tà Rụt, huyện Đa Krông sớm nhận ra tiềm năng của loại cây này. Đây là loại chuối mà khi chín rất thơm ngon, quả lại to tròn và có vị đặc trưng riêng nên được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng, với phương pháp canh tác truyền thống của đồng bào ở địa phương, đã làm cho giống chuối này dần bị thoái hóa. 

Bên cạnh đó, vì nhiều lý do nên diện tích cây trồng này ngày càng thu hẹp, canh tác manh mún. Điều đó khiến chị Hằng trăn trở. Vậy là chị quyết định phải làm gì để giữ lại giống chuối đã tồn tại, gắn bó hằng bao đời nay với đồng bào nơi đây, cũng là để tạo sinh kế cho chị em phụ nữ. 

Chị Hồ Thị Hằng ở xã Tà Rụt huyện Đa Krông (Quảng Trị) thăm vườn chuối lùn trong Tổ hợp tác
Chị Hồ Thị Hằng ở xã Tà Rụt huyện Đa Krông (Quảng Trị) thăm vườn chuối lùn trong Tổ hợp tác

Năm 2018 chị quyết định đứng ra thành lập tổ liên kết trồng chuối Tà Rụt. Ban đầu, tổ liên kết chỉ có 15 thành viên chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào DTTS, đến nay đã có hơn 40 thành viên. Khi vừa thành lập, chị đã vận động 10 hộ ở Tà Rụt trồng chuối lùn rải rác trên đồi mang về trồng tập trung. Nhờ được chăm sóc tốt, cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên chuối mang về trồng sinh trưởng tốt.

Như một cơ duyên, năm 2019, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Khoa học công nghệ tổ chức cuộc thi “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh”, chị cùng các tổ viên đã mang ý tưởng và thành tựu bước đầu của tổ tham gia dự thi.

Được trồng, chăm sóc đúng quy trình nên cây chuối lùn của Tổ liên kết trồng chuối lùn ở Tà Rụt phát triển tốt
Được trồng, chăm sóc đúng quy trình nên cây chuối lùn của Tổ liên kết trồng chuối lùn ở Tà Rụt phát triển tốt

Nhận thấy ý nghĩa của dự án, năm 2019, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã đề xuất và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phê duyệt Kế hoạch xây dựng mô hình "Tổ hợp tác trồng chuối lùn" tại xã Tà Rụt. Tổ được hỗ trợ kinh phí 236 triệu để phát triển mô hình.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hồ Thị Hằng cho biết: Từ 1.800 cây giống, sau 3 năm thực hiện theo mô hình tổ hợp tác liên kết, đến nay đã phát triển thành 8.000 cây. Từ khi trồng đến nay, có 5.900 cây chuối đã có buồng cho thu hoạch. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Tổ hợp tác đã có nguồn thu 510 triệu đồng từ việc bán chuối. Từ nguồn thu nhập đó, hàng chục hộ gia đình người đồng bào DTTS ở Tà Rụt được cải thiện và hơn hết là chị em có việc làm ổn định.

Tiếp sức cho cây trồng chủ lực

Một tin vui đối với Tổ liên kết trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt. Theo kế hoạch phân bổ vốn năm 2023, Tổ Liên kết trồng chuối lùn Tà Rụt được hỗ trợ 568 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" thuộc Chương trình MTQG 1719.

Tham gia Tổ liên kết trồng chuối, đời sống kinh tế nhiều hộ gia đình người DTTS đã được cải thiện
Tham gia Tổ liên kết trồng chuối, đời sống kinh tế nhiều hộ gia đình người DTTS đã được cải thiện. Vai trò và vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng được nâng lên

Thông tin với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, cho biết: “Hiện địa phương đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt và giải ngân hỗ trợ 568 triệu đồng (tương đương 95 triệu đồng/1ha) cho Tổ hợp tác trồng chuối lùn Tà Rụt thông qua các hộ tham gia trồng chuối”.

Hiện nay, Tổ hợp tác đã có 18ha, tiếp theo sẽ trồng thêm ở các thôn Tà Rụt 1, Tà Rụt 2, Tà Rụt 3…. Trong quá trình triển khai Dự án, cán bộ khuyến nông xã sẽ hướng dẫn đồng bào trồng và chăm sóc cây chuối đúng tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, UBND xã Tà Rụt cũng đang triển khai, xây dựng sản phẩm chuối lùn Tà Rụt thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là cơ hội để chuối lùn Tà Rụt mở rộng đầu ra, từ đó năng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tham gia Tổ liên kết trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt.

(Bài kế hoạch- Chuyên đề BDT Quảng Trị)Tổ liên kết trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt, mô hình kinh tế hay cần nhân rộng 3
Hiện sản phẩm của Tổ hợp tác trồng chuối lùn Tà Rụt đã được bày bán ở ở siêu thị Co.op Mart thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Để đồng hành và hỗ trợ Tổ hợp tác trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt, ngày 25/7 vừa qua, UBND huyện Đakrông đã có tờ trình đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét trình UBND tỉnh thủ tục cho phép Tổ liên kết trồng chuối lùn xã Tà Rụt sử dụng địa danh “Tà Rụt” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chuối lùn vùng Tà Rụt”. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã liên kết với một số siêu thị, của hàng thực phẩm sạch để tìm thêm đầu ra cho chuối lùn Tà Rụt. Cụ thể, Hội đã hỗ trợ mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm chuối lùn Tà Rụt, để giới thiệu đến khách hàng trong cả nước. Đến nay, sản phẩm chuối lùn tại xã Tà Rụt cũng đã được kết nối, đưa vào bày bán ở siêu thị Co.op Mart thành phố Đông Hà.

Từ ý tưởng liên kết trồng chuối của người phụ nữ DTTS Hồ Thị Hằng với mục đích ban đầu, là giữ lại giống chuối lùn địa phương, giúp chị em phụ nữ DTTS có việc làm, đến nay nhiều gia đình đồng bào DTTS ở xã Tà Rụt đã thoát nghèo nhờ trồng chuối. Đặc biệt, khi có các chính sách “tiếp sức” hỗ trợ của Hội LHPN các cấp và Chương trình MTQG 1719, sản phẩm chuối lùn Tà Rụt đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.