Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Hoàng Minh - 12:49, 16/05/2024

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về kinh ngạch xuất khẩu (Ảnh MH)
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về kinh ngạch xuất khẩu. (Ảnh MH)

Theo báo cáo, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2023 lần lượt là: TP. Hồ Chí Minh với kim ngạch hơn 42,4 tỷ USD; Bắc Ninh 39,3 tỷ USD; Bình Dương 30,6 tỷ USD; Hải Phòng 26,7 tỷ USD; Thái Nguyên 25,6 tỷ USD; Bắc Giang 24,4 tỷ USD; Đồng Nai 21,6 tỷ USD; Hà Nội 16,6 tỷ USD; Phú Thọ 10,5 tỷ USD; Vĩnh Phúc 9,9 tỷ USD.

Năm 2023, mặc dù TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, nhưng kết quả này vẫn giảm 10,8% so với năm 2022. Một số địa phương khác như: Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai, Phú Thọ đều có mức giảm trên 10% so với năm 2022.

Năm 2024, khắc phục khó khăn, các tỉnh/thành đã và đang nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Như tại TP. Hồ Chí Minh đã đề ra chỉ tiêu chỉ sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 6,5% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp qua cửa khẩu thành phố tăng 10%. Còn tại Bắc Giang, từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, tăng tốc sản xuất, bảo đảm theo đơn hàng đã ký.

Các địa phương khác trên cả nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất... Phía doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm và phục hồi lại các đơn hàng nhằm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Lai Châu nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (Ảnh MH)
Lai Châu nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. (Ảnh MH)

10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 12,9 triệu USD, Điện Biên 22,4 triệu USD, Sơn La 25,5 triệu USD, Bắc Cạn 37,6 triệu USD, Ninh Thuận 62 triệu USD, Cao Bằng 85,8 triệu USD, Đắk Nông 100 triệu USD, Hà Giang 145 triệu USD, Quảng Bình 179 triệu USD, Tuyên Quang 183 triệu USD.

Trong số 10 địa phương nêu trên, tỉnh Lai Châu tiếp tục giữ thứ hạng 63 như năm 2022. Thứ hạng số 62 năm 2023 thuộc về tỉnh Điện Biên, trong khi năm 2022, địa phương này xếp ở thứ hạng 60. Tỉnh Tuyên Quang và Quảng Bình hoán đổi vị trí cho nhau (năm 2022, Tuyên Quang xếp thứ 55 sang năm 2023 nâng lên 1 bậc, xếp ở thứ hạng 54. Ngược lại, năm 2022, Quảng Bình xếp thứ 54 thì năm 2023 lại xuống 1 bậc, xếp ở hạng 55).

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của các địa phương. Vì vậy, những địa phương này cũng đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh, nhằm tạo động lực phát triển; tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng điểm gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng theo chiều sâu…

Riêng với tỉnh Lai Châu, trong năm 2024, Sở Công Thương Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.869,5 tỷ đồng, tăng 25,6% so với ước thực hiện năm 2023.

Theo Sở Công Thương Lai Châu, nhiều cơ sở tốt để địa phương đặt mục tiêu cao cho ngành công nghiệp của tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 163,7 tỷ đồng, tăng 0,3% so với ước thực hiện năm 2023.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.