Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp đón lao động quay lại làm việc

Lê Thuận - 16:27, 24/10/2021

Dịch bệnh kéo dài, hàng trăm nghìn nhà máy, xí nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng với công suất 30 - 50%. Sau khi Thành phố mở cửa, nhưng hàng chục nghìn lao động vẫn tiếp tục về quê. Đồng thời có hàng nghìn lao động khác bị nhiễm Covid-19 khiến cho các nhà máy, xí nghiệp thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất 3 tại chỗ nhằm sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách
Một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất 3 tại chỗ nhằm sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội TP. Hồ Chí Minh, trước khi dịch bệnh diễn ra, toàn Thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp (DN) đang đăng ký hoạt động. Trong đó, trên 15.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với trên 3,2 triệu lao động. Sau thời gian dài chống dịch, số lượng DN bị ảnh hưởng khá nhiều, nhẹ thì đóng cửa, nặng thì phá sản.

Hàng triệu lao động nghỉ việc không lương

Suốt thời gian phong tỏa, toàn TP. Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 70 DN hoạt động "3 tại chỗ", với 600.000 lao động, hơn 1,7 triệu lao động phải tạm giãn việc, nghỉ việc không hưởng lương. Đặc thù tại TP. Hồ Chí Minh là DN nhỏ và vừa chiếm 98%, nên những ngành nghề thâm hụt lao động như: May mặc, giày da, dịch vụ thương mại, du lịch, giao thông... hầu hết phải đóng cửa. Điều đó dẫn đến tình trạng đứt gãy sản xuất, nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh  như trước đại dịch.

Hiện nay, Thành phố nới lỏng giãn cách và từng bước mở cửa để phục hồi kinh tế. Các DN bắt đầu khôi phục sản xuất, nhưng thiếu hụt lao động trầm trọng. Bên cạnh đó, một số lượng lớn lao động bị nhiễm Covid-19 phải cách ly, điều trị là những rủi ro rất lớn khi hoạt động trở lại. Đáng lo ngại là, dù từ đầu tháng 10, Thành phố nới lỏng giãn cách nhưng, hàng vạn lao động vẫn tiếp tục ồ ạt về quê, khiến tình trạng thiếu lao động tay nghề cao càng nghiêm trọng hơn.

Theo ông Lê Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Phương Nam, ảnh hưởng lớn nhất của Covid-19 đối với ngành may mặc, là tình trạng bỏ việc, thiếu lao động nghiêm trọng. Vì vậy, khi DN mở cửa sản xuất trở lại, thì phải mời gọi lao động cũ về làm việc, tăng cường tuyển nhân sự mới nhằm đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. “Chúng tôi sợ nhất tình trạng thiếu lao động. Không sản xuất kịp đơn hàng sẽ bị đối tác phạt hợp đồng”, ông Hải cho biết thêm.

Hiện nay, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, DN đang đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hạn chế phụ thuộc vào nguồn lao động số lượng lớn. Do đó, DN cần lao động được đào tạo bài bản, nắm vững kiến thức chuyên môn và giỏi kỹ năng để vận hành máy móc tốt hơn, hiệu suất cao hơn.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho biết, DN đang sử dụng khoảng 56.000 lao động. “Chúng tôi lường trước được vấn đề khan hiếm lao động, nên đặc biệt quan tâm đến việc giữ chân người lao động giỏi, tay nghề cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao sản xuất, phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, khi Thành phố bị giãn cách, phong tỏa, công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ. Có những thời điểm DN vô cùng khó khăn, nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, ông Nghiệp nhấn mạnh.

Một chủ DN người Hoa là ông Trịnh Chí Cường,Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến cảm nhận dấu hiệu hồi sinh, hoạt động nhộn nhịp trở lại của TP. Hồ Chí Minh. “Cuối năm là mùa cao điểm sản xuất đơn hàng xuất khẩu, phục vụ lễ, Tết, nhưng chúng tôi đã phải từ chối rất nhiều đơn hàng. Sau thời gian dài giãn cách, DN chưa thể đưa 100% người lao động vào làm việc, nên chỉ nhận đơn hàng trong nước và những đối tác thân thiết”, ông Cường chia sẻ.

Lĩnh vực thủy sản đang cần nhân lực để tăng cường sản xuất phục vụ xuất khẩu
Lĩnh vực thủy sản đang cần nhân lực để tăng cường sản xuất phục vụ xuất khẩu

Tạo điều kiện đón lao động trở lại làm việc

Đến thời điểm này, Thành phố đã nới lỏng giãn cách và từng bước mở cửa để phục hồi kinh tế. Vấn đề mà người lao động quan tâm nhất để quay trở lại làm việc là được tiêm vắc xin đầy đủ, làm việc trong một môi trường an toàn. Một số DN lớn sử dụng lao động tay nghề cao đã có chủ trương, giải pháp, lên kế hoạch đón lao động trở lại làm việc. Một số DN còn hỗ trợ túi an sinh, chi phí thuê nhà, thuê khách sạn… để người lao động an tâm làm việc.

Sau khi Thành phố mở cửa, đã có khoảng 150.000 lao động quay lại làm việc, nâng tổng số công nhân đang làm việc khoảng 230.000 người, tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh thì, lao động tay nghề cao trong các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ còn khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây.

Theo dự báo của Sở Lao động Thương bình và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2021, Thành phố cần thêm khoảng 60.000 lao động và đến quý I/2022 cần khoảng 140.000 lao động. Các DN lĩnh vực giày da, may mặc, điện - điện tử, chế biến lương thực, giao thông vận tải, du lịch… đang tích cực mở cửa hoạt động trở lại.

Việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Vì vậy, Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị các DN trên địa bàn cần nhanh chóng xây dựng phương án khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo đúng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.