Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

TP. Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19

Lê Hoàng - 19:54, 17/08/2021

TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 150.000 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19; trong đó có hàng nghìn bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở máy, can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Trước áp lực này, chính quyền Thành phố đã phải áp dụng nhiều mô hình điều trị, nhằm giảm bệnh nhân tử vong.

Bệnh nhân nặng điều trị ở Bệnh viện hồi sức
Bệnh nhân nặng điều trị ở Bệnh viện hồi sức

Điều trị F0 tại nhà

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà. Các trường hợp F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng, được cung cấp túi thuốc an sinh, bao gồm: Thuốc Đông y, thuốc kháng virus và thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch. Mỗi túi thuốc mà bệnh nhân F0 nhận được bao gồm: Paracetamol 500g (10 viên), Acetylcysrein (10 gói), MultiVitamin (10 viên), nước súc họng (1 lọ), nước muối 0.9% (Natri Clorid 0,9%), viên C sủi Uscadimin C1g (10 viên), khẩu trang…

TP. Hồ Chí Minh xây dựng mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là gần 42.000 người. Trong đó, có hơn 25.000 người đã xuất viện nhưng vẫn tiếp tục điều trị, cách ly tại nhà; số còn lại là F0 mới phát sinh.

Các bệnh nhân chăm sóc, điều trị tại nhà, sẽ được y tế địa phương hỗ trợ nhằm giảm áp lực cho hệ thống bệnh viện đang quá tải, nhằm tập trung chữa trị bệnh nặng. Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, có thể có các triệu chứng nóng, sốt, hay có đờm ở họng… cần liên lạc với bác sĩ, đội phản ứng nhanh hỗ trợ tư vấn, hoặc nhập viện khi có triệu chứng nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, việc triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân F0, tạo tâm lý ổn định, thoải mái nhằm kéo giảm số ca tử vong. Nếu điều trị tốt các bệnh nhân F0 tại nhà trong thời gian ngắn có thể giúp 70 - 80% bệnh nhân F0 phục hồi trong thời gian ngắn.

Sau thời gian áp dụng nhiều mô hình điều trị khác nhau, số bệnh nhân khỏi, đủ điều kiện xuất viện đang phát huy hiệu quả, với số ca điều trị khỏi bệnh được xuất viện lên tới hơn 70.000 người (ghi nhận đến ngày 16/8).

Hiện nay, việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được thực hiện theo hệ thống phân tầng của Bộ Y tế, nhằm chia nhóm nguy cơ của từng bệnh nhân để theo dõi, điều trị, can thiệp phù hợp nguồn lực của ngành. Theo đó, hệ thống điều trị tháp 3 tầng được phân chia thành: Tầng 1 là các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung chăm sóc, theo dõi những bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhẹ chiếm khoảng 50% số bệnh nhân F0. 

Tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho khoảng 40% các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng, với nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Tầng này là bệnh viện điều trị Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có bệnh lý nền. Các bệnh viện tầng này, phải trang bị hồi sức cấp cứu (thở máy) cho một số trường hợp chuyển biến nặng; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Tầng 3 thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0 diễn biến nặng cần chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn về hồi sức và can thiệp ECMO.

Nâng lên mức tối đa để thu dung bệnh nhân

Hiện tại, dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra căng thẳng, phức tạp. Hiện vẫn còn khoảng 33.000 bệnh nhân điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng, nguy kịch, tử vong tăng lên.

Túi thuốc an sinh điều trị bệnh nhân F0 tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh
Túi thuốc an sinh điều trị bệnh nhân F0 tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện hồi sức  điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng, cần can thiệp điều trị chuyên sâu. Bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền, phải hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) cho các trường hợp rất nặng, nguy kịch. Các bệnh viện tuyến cuối được trang bị các hệ thống ECMO, lọc máu, hệ thống thở oxy… cùng những bác sĩ chuyên sâu trong lĩnh vực hồi sức tích cực.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết, các quyết sách chống dịch, được chuyển trọng tâm từ xét nghiệm trên diện rộng sang điều trị. Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, nhưng đang có xu hướng đi ngang. Sau khi áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại nhà cho các F0, nhằm góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện.

Thành phố đang tập trung điều trị cho nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, mở rộng các Bệnh viện hồi sức Covid-19 của thành phố và các bệnh viện mà Bộ Y tế đầu tư tăng cường. Tại TP. Thủ Đức, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 được chuyển đổi công năng lên 700 giường nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu chữa trị bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị hơn 1.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và nguy kịch. Trong đó, có hàng trăm bệnh nhân phải thở máy, nhiều bệnh nhân phải lọc máu liên tục và cả những bệnh nhân chạy ECMO. Hiện số ca bệnh nặng từ các tầng điều trị thấp vẫn gia tăng hàng ngày, nên Bệnh viện hồi sức Covid-19 sẽ tiếp tục nâng lên mức tối đa để thu dung, điều trị cho bệnh nhân. 

“Số giường tăng lên, nên cần tiếp tục huy động các nguồn lực đội ngũ y, bác sĩ mới có thể chăm sóc, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Trong đó, cần rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng, những người đủ khả năng vận hành thiết bị máy thở, máy oxy dòng cao, máy lọc máu, máy ECMO…”, bác sĩ Thức cho biết.

Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Các bác sĩ, điều dưỡng trên tuyến đầu chống dịch, nên nguy cơ bị lây nhiễm chéo rất cao. Dù được chuẩn bị kỹ lưỡng về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm, những vẫn có hàng trăm bác sĩ, y tá nhiễm bệnh, nhưng tất cả đều chấp nhận rủi ro để điều trị cho bệnh nhân hồi phục, sớm trở về gia đình và cộng đồng./.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.