Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sự trở về nặng nghĩa tình của Trương Xuân Tự

Ngô Bá Hoà - 16:52, 15/08/2021

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với hành trang là những giải thưởng lớn trong các cuộc thi độc tấu sáo trúc toàn quốc, chàng trai người Nùng Trương Xuân Tự rời Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sau những đêm biểu diễn trở về nhà với cây sáo trúc, anh cảm thấy nhớ quê hương da diết. Tình yêu quê hương đã kéo anh rời phồn hoa phố thi để trở lại với bản làng, tiếp tục cuộc hành trình mang những thanh âm tinh túy dâng đời.

Nghệ sĩ trẻ dân tộc Nùng Trương Xuân Tự
Nghệ sĩ Trương Xuân Tự

Rời xa phố thị

Trương Xuân Tự sinh năm 1982 tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Cũng như bao đứa trẻ miền núi khác, sau mỗi buổi học, Xuân Tự lại trở thành cậu bé “mục đồng” chăn trâu, làm bạn với thiên nhiên cây cỏ.

Năm học lớp sáu, có một người anh trong bản đi bộ đội về phép mang theo một cây sáo trúc. Tiếng sáo véo von của anh bộ đội khiến Xuân Tự thích thú. Sau mỗi buổi đi học về, cậu bé lại chạy sang mượn anh bộ đội cây sáo thử tập thổi. Tiếng sáo trong veo vút lên khiến Xuân Tự bị mê mẩn, hút hồn. Từ đó, cứ lúc nào rảnh là cậu bé lại tranh thủ sang mượn sáo tập thổi.

Khi anh bộ đội hết phép trở lại đơn vị, mang theo cây sáo trúc, Xuân Tự “nhớ sáo” bứt rứt không ngủ được. Hôm sau, Xuân Tự lên rừng chọn những cây trúc già mang về nhà tự chế tạo sáo. Sau vài lần thất bại, cuối cùng cậu cũng chế tạo thành công cây sáo trúc đầu tiên với âm thanh ngân nga cao vút. Nắm được cách chế tạo, Xuân Tự cho ra lò nhiều cây sáo với các kích cỡ khác nhau để tặng cho đám trẻ con trong bản.

Từ khi có cây sáo, những buổi chăn trâu của cậu bé Xuân Tự đã bớt buồn tẻ. Mỗi buổi đi chăn trâu, cậu bé Tự lại mang theo cây sáo trúc thổi vi vu khắp cánh rừng. Nghe thấy tiếng sáo cất lên ở đâu là biết cậu bé Tự đang chăn trâu ở nơi đó.

Người con của núi rừng
Người con của núi rừng

Năm 1996, khi Xuân Tự đang học lớp 8 thì có giáo viên của Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc về địa phương tuyển sinh. Xuân Tự đăng ký thi và trúng tuyển ngay trong đợt đầu. Ngay trong năm đó, Xuân Tự rời quê hương xuống Thái Nguyên theo học văn hóa-nghệ thuật.

Tại Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc, Xuân Tự được các thầy cô chỉ dạy bằng tất cả nhiệt huyết nên cậu học trò người Nùng tiến bộ rất nhanh. Những bài sáo khó nhất đều được Xuân Tự thể hiện một cách điêu luyện, thăng hoa. Năm 1999, Xuân Tự tốt nghiệp và được “đầu quân” về Nhà hát Dân gian Việt Bắc.

Đưa tiếng sáo đến bản làng 

Công tác tại Nhà hát Dân gian Việt Bắc, được làm việc cùng nhiều đồng nghiệp có chuyên môn cao, Xuân Tự nhận ra, những kiến thức đã học ở Trường Cao đẳng chỉ đủ giúp anh làm nghề. Còn muốn tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật, anh phải học thêm những kiến thức ở bậc cao hơn. Vậy là Xuân Tự viết đơn xin nghỉ việc ở Nhà hát Dân gian Việt Bắc để thi vào Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Anh thi đỗ với điểm số rất cao.

Cuộc sống ở Thủ đô bon chen, khắc nghiệt. Xuân Tự vừa phải thích nghi với cuộc sống mới, vừa học tập những kiến thức tinh hoa do các thầy cô đầu ngành giảng dạy. Tình yêu với cây sáo trúc đã giúp Xuân Tự vượt qua tất cả.

  Tiếng sáo từ bản làng bay đến những miền xa 2

Sau những giờ học lý thuyết trên lớp, Xuân Tự dành hết thời gian rảnh rỗi còn lại cho việc luyện sáo. Mỗi loại sáo, mỗi kích cỡ lại có cảm âm và luồng hơi khác nhau. Nhờ chăm chỉ tập luyện, Xuân Tự nắm rõ hết các đặc tính của từng loại sáo, giúp anh dễ dàng chắp cánh cho các tác phẩm thuộc hàng kinh điển của sáo trúc Việt Nam như: “Nhớ về dòng sông”, “Tiếng hát trên nương”... Những màn thể hiện của Xuân Tự được các thầy cô đánh giá rất cao. Dù là tác phẩm kinh điển, Xuân tự vẫn nhẹ nhàng thổi một cách tự nhiên như chính hơi thở của mình. Để làm được điều đó, ngoài những kiến thức  còn có tình yêu vô bờ với cây sáo trúc.

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, với “vốn liếng” khá dầy dặn, Xuân Tự quyết định vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp.

Cuộc sống ồn ào, náo nhiệt nơi đây mở ra cho người nghệ sĩ trẻ như Xuân Tự nhiều cơ hội. Nhưng sau những đêm diễn trở về căn phòng chật hẹp, nỗi nhớ bản làng, nhớ quê hương khiến anh nhiều đêm không chợp mắt. Hình bóng người mẹ tần tảo quanh năm lam lũ chốn quê nghèo khiến anh thêm trăn trở. Cuối cùng, anh quyết định rời bỏ nơi phồn hoa phố thị, trở về làng bản của mình, đem tiếng sáo về phục vụ quê hương.

Về Lạng Sơn, Xuân Tự “đầu quân” vào Đoàn Nghệ thuật tỉnh. Với tình yêu tha thiết dành cho mảnh đất miền biên viễn, anh đã đi biểu diễn phục vụ bà con khắp các thôn bản vùng sâu, vùng xa, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn. Khán giả Lạng Sơn đã quen thuộc với tiếng sáo Xuân Tự qua những nhạc phẩm: Anh vẫn hành quân (sáng tác Huy Du), Trên đường chiến thắng (sáng tác Đinh Thìn), Tiếng sáo trên nương (sáng tác Đinh Linh)...

Ngoài việc đem tiếng sáo phục vụ khán giả, Xuân Tự cũng thử sức trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Các nhạc phẩm của anh đã được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh, Truyền hình Lạng Sơn... Trong các sáng tác nổi bật của anh như: "Cung đàn Việt", "Quê mẹ", "Làng ven sông"... tiếng sáo luôn giữ vai trò hồn cốt trong trong phần hoà âm phối khí, làm nổi bật lên tinh thần của bài hát và khẳng định tầm quan trọng của sáo trúc trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam đương đại.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, Xuân Tự đã đoạt 2 giải 3 cuộc thi Độc tấu sáo trúc toàn quốc, 1 giải Bạc Liên hoan các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và 1 giải Bạc Liên hoan các Đoàn Nghệ thuật 5 nước Đông Dương.