Nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh luôn tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học và xây dựng đội ngũ giáo viên trong vùng có đông đồng bào Khmer đạt trình độ chuẩn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 3.334 cán bộ, giáo viên, nhân viên là người Khmer, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học của con em đồng bào Khmer, Trà Vinh tranh thủ từ nguồn lực Trung ương. Đây là địa phương đi đầu trong các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) từ tỉnh đến huyện. Ngoài trường PTDTNT cấp tỉnh và Trường Trung cấp Pali Khmer, 8 huyện và thành phố trong tỉnh đều có trường PTDTNT, đáp ứng nhu cầu giáo dục và hoạt động nội trú. Trường PTTHNT- THCS - THPT huyện Tiểu Cần là trường PTDTNT đạt chuẩn đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng từ đầu năm 2016, với kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Trường PTDTNT tỉnh, Trường PTTHNT THCS - THPT huyện Trà Cú và Trường PTDTNT THCS - THPT huyện Tiểu Cần đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh khẳng định, việc dạy chữ Khmer góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy căn hóa truyền thống của đồng bào. Hiện, toàn tỉnh có 121 trường có dạy chữ Khmer. 134/143 chùa Khmer ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức dạy chữ Khmer vào dịp hè theo chương trình sách giáo khoa Khmer ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
Điển hình là chùa Jambudipavararama ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, hơn 10 năm qua đều tổ chức các lớp ngữ văn Khmer, sơ cấp và trung cấp Pali cho học sinh, tăng sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thành Nguyện cho biết, Sở luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, chăm lo đời sống giáo viên đúng theo quy định. Cùng với đó, tỉnh còn tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên là các vị sư, Achar đứng lớp. Mỗi năm, tỉnh đều thực hiện cử tuyển khoảng 100 học sinh Khmer vào hệ dự bị đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để đáp cho yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer của tỉnh.