Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Trà Vinh: Vùng DTTS khởi sắc sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Như Tâm - 09:17, 18/12/2023

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, dù các xã vùng DTTS đã về đích nông thôn mới 100%, nhưng đời sống một bộ phận đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nhiều dự án, nội dung thành phần ở tỉnh Trà Vinh đã phát huy hiệu quả, tạo cơ hội cho vùng đồng bào DTTS đổi thay, khởi sắc.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc

Nguồn vốn chính sách tạo cơ hội cho người dân vươn lên

Chương trình MTQG 1719 đang tạo nhiều cơ hội, điều kiện để đồng bào Khmer ở Trà Vinh vươn lên ổn định cuộc sống. Nhiều dự án hỗ trợ cho đồng bào Khmer đã được tỉnh Trà Vinh chú trọng thực hiện, như hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn sản xuất, giống vật nuôi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Mới đây, có dịp đến xã Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang), nơi có hơn 70% đồng bào Khmer sinh sống, chứng kiến niềm phấn khởi của nhiều hộ Khmer khi được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình MTQG 1719. 

Trong ngôi nhà được xây dựng mới cách đây vài tháng, ông Thạch Rếch ở ấp Lạc Sơn xã Thạnh Hòa Sơn phấn khởi kể: “Đầu năm 2023, khi được chính quyền xét hỗ trợ nhà ở cho gia đình, với số tiền 40 triệu đồng và được tạo điều kiện cho vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng; đình tích cóp vay mượn thêm chút đỉnh, giờ đây có căn nhà mới, tôi và gia đình rất hạnh phúc vì có cái nhà tử tế để ở”

Tại Trà Cú, một huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, có trên 62% đồng bào Khmer sinh sống, người dân ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên đang rất vui mừng khi tuyến đường bê tông của ấp vừa được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp bà con thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, các em học sinh đi học dễ dàng. 

"Nếu không có nguồn kinh phí đầu từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 trên 1,4 tỷ đồng, chưa biết đến bao giờ người dân chúng tôi mới có được con đường tử tế để đi lại cho dễ dàng", một người dân ở ấp mà chúng tôi gặp đi trên đường mới đã trò chuyện với chúng tôi như vậy.

Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, đồng bào DTTS ở vùng khó khăn còn được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ đặc thù. Chị Thạch Thị Lệ ở ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chia sẻ: Trước đây, gia đình chị ở trong ngôi nhà lụp xụp. Đầu năm 2023, gia đình được chính quyền xét hỗ trợ 40 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách vốn vay ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719; đồng thời tạo điều kiện vay 46 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi và phát triển sản xuất. "Tôi đã làm được căn nhà khang trang rồi. Tôi không biết nói sao nữa để tả niềm vui của gia đình, nào giờ lần đầu tiên có được căn nhà kiên cố”.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Trà Cú cho biết: Từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và địa phương, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho gần 300 hộ, hỗ trợ đất ở cho 19 hộ và chuyển đổi nghề cho hơn 100 hộ.

 Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện 27 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 300 hộ dân, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đến đầu năm 2023, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của Trà Cú còn 4,47%; thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm, đến nay.

Diện mạo vùng đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh ngày càng khởi sắc
Diện mạo vùng đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh ngày càng khởi sắc

Tiếp tục tạo cú hích cho sự phát triển

Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Triển khai Chương trình MTQG 1719, địa phương đã chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm số xã, ấp có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã tập trung triển khai các dự án, nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu trên. Theo đó, ước đạt giải ngân đến 31/12/2023, là 312 tỷ đồng (đạt 71,66%). Năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm 0,5% số hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 1%.

Cụ thể, năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Trà Vinh được phân bổ trên 451 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tỉnh tập trung hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. 

Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào DTTS (xây dựng mới 1 chợ tại huyện Cầu Kè; cải tạo, nâng cấp 4 chợ ở huyện Cầu Ngang và một chợ ở huyện Cầu Kè)...

Theo ông Kiên Ninh, việc triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn về nhà ở đã giúp nhiều hộ xóa nhà tạm bợ. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, tạo thêm động lực để hộ đồng bào Khmer nỗ lực hơn nữa trong lao động sản xuất; tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, an tâm sản xuất, vươn lên cải thiện đời sống. 

Cùng với nguồn lực đầu tư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở Trà Vinh. Chính sự quan tâm đó, đã tạo cơ hội để đồng bào DTTS có điều kiện lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đưa kinh tế vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh ngày càng khởi sắc

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Là một trong những huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh Lào Cai với 21 xã thị trấn; tuy nhiên, huyện Bát Xát là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Để có kết quả chính xác nhất, ngành Dân tộc địa phương đã tăng cường giám sát đối với các tổ điều tra trong quá trình triển khai thu thập thông tin.