Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chủ tịch tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn: Xem xét điều chỉnh một số nội dung, cơ chế để nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Như Tâm - 06:27, 14/12/2023

Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ đồng bào Khmer cao nhất nước, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đồng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Trà vinh. Tuy nhiên, hiện tại, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đã về đích nông thôn mới, nên đối tượng thụ hưởng bị thu hẹp. Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã có cuộc trao đổi thông tin với báo Dân tộc và Phát triển về tình hình thực tế triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Trà Vinh

Ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh
Ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh

Xin ông cho biết về tình hình và kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Trà Vình?

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Trà Vinh thực hiện 9/10 Dự án với 10/14 Tiểu dự án thành phần. Theo đó, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định giao kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn, hàng năm và Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình do sở, ngành phụ trách. 

Ngoài ra, để thực hiện Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh có ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban quản lý và Ban phát triển ấp/khóm thực hiện Chương trình.

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình đến nay, tỉnh Trà Vinh đã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, 59 xã vùng đồng bào DTTS đều đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo chung của 59 xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm 3,56% so với đầu kỳ.

 Cơ sở hạ tầng được đầu tư mới và duy tu, bảo dưỡng. Đã có 115 công trình mới và 54 công trình duy tu là giao thông thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh; Xây mới 01 chợ và sửa chữa, nâng cấp 05 chợ trong vùng đồng bào DTTS; Hỗ trợ đất ở cho 17 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 214 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 699 người, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 54 hộ và xây dựng 03 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đầu tư nâng cấp 8/8 trường phổ thông dân tộc nội trú trong vùng đồng bào DTTS.... Kết quả thực hiện Chương trình đến nay đã giải ngân 202.020/465.434 triệu đồng, đạt 43,40% so với kế hoạch vốn Trung ương phân bổ.

Để người dân được sớm thụ hưởng các chính sách, tỉnh Trà Vinh đã triển khai những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới thưa ông?

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh Trà Vinh thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau: Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định.

 Tiếp tục, chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh thực hiện tốt chức năng điều phối, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành. Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, nâng cao năng lực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về Chương trình, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, của đồng bào các DTTS, tiếp nhận và sử dụng chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức nhiều Đoàn đi kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực Chương trình), các sở, ngành tỉnh liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhiều công trình giao thông thiết yếu được đầu tư mới và duy tu, bảo dưỡng
Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhiều công trình giao thông thiết yếu được đầu tư mới và duy tu, bảo dưỡng

 Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao nhất nước, nhưng đến nay đã có 100% xã đã đạt nông thôn mới, ông có thể thông tin rõ hơn một số kết quả nổi bật trong vùng đồng bào Khmer hiện nay?

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, có mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đạt nhiều kết quả nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm rõ rệt, ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của 59 xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn 1,58% so với tổng số hộ dân cư vùng DTTS; duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên; đồng bào DTTS được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa tốt đẹp của đồng bào...

Tuy nhiên, việc thực hiện đạt mục tiêu nông thôn mới, đi liền với việc giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 sẽ không thực hiện được, do địa bàn thu hẹp, đối tượng thụ hưởng giảm, so với số liệu khảo sát lúc xây dựng Chương trình từ năm 2019. 

Điển hình là các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình như: Dự án 01 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt); Dự án 03 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị); Nội dung đào tạo đại học, sau đại học thuộc Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em); Tiểu dự án 02 (Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS) thuộc Dự án 10 (Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình), dẫn đến thừa vốn từ ngân sách Trung ương phân bổ là 155 tỷ 582,10 triệu đồng (trong đó, vốn thừa năm 2022 là 34 tỷ 359,60 triệu đồng; vốn thừa năm 2023 là 121 tỷ 517,82 triệu đồng).

Được biết, dù các xã vùng đồng bào DTTS đã đạt NTM, tuy nhiên còn rất nhiều phum, sóc còn khó khăn, Trà Vinh có kiến nghị gì để giải quyết thực tế này đối với việc sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 ?

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Đây chính là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Trên thực tế, khi xây dựng đề chính sách cho những xã vùng khó khăn được khảo sát và triển khai từ năm 2019. Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 và năm 2025, hiện nay các xã này đã được công nhận nông thôn mới sẽ thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, trong khi các xã này vẫn còn ấp có đông đồng bào dân tộc đời sống còn khó khăn..Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trong thời gian tới, tỉnh Trà Vinh có một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như sau:

Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi từ 3% xuống còn lại 1%/năm tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Lý do: Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo của 59 xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là 8.644 hộ nghèo, chiếm 5,14% so với tổng số hộ dân cư vùng DTTS, trong đó, có 2.063 hộ nghèo không có khả năng lao động; sau khi trừ số hộ nghèo không có khả năng lao động, số hộ nghèo còn lại của 59 xã vùng đồng bào DTTS là 6.581 hộ, chiếm 3,91% so với tổng số dân cư vùng DTTS. 

Do đó, theo mục tiêu được giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg là giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào DTTS và miền núi 3%, tỉnh Trà Vinh thực hiện không đạt trong năm 2022 (chỉ giảm được 1,31%) và dự báo khả năng cũng sẽ không đạt mục tiêu này trong những năm tiếp theo của giai đoạn 2022 - 2025.

Tỉnh cũng kiến nghị, cần xem xét tăng mức hỗ trợ đất ở, nhà ở tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Xin cảm ơn ông!